Lại một lần nữa, Giáng Sinh đang trở về với nhân loại! Tính ra thời gian tôi đón Giáng Sinh nơi xứ người đã nhiều hơn so với lúc còn ở trong nước. Lúc nhỏ, Giáng Sinh chỉ là ngày nôn nao chờ đợi nhận quà, chứ chẳng có ấn tượng nào đáng để ghi nhớ cả. Cứ chuẩn bị đi lễ nửa đêm là lại ngán ngẫm trong lòng, nhưng vì sợ Ba la rầy nên đành phải đi, chứ chỉ ngồi ngủ gà ngủ gật trong nhà thờ, những bài hát êm êm ca ngợi Noel lại càng ru ngủ những đứa trẻ chúng tôi lúc đó. Về đến nhà thì ba má lại tổ chức Réveillon, ối chao buồn ngủ chết được cho nên món ăn dù hấp dẫn đến đâu thì lũ trẻ chúng tôi cũng chỉ nhấm nháp vài miếng lấy lệ rồi chào đi ngủ…
Sáng hôm sau, vừa mở mắt ra thì hộp quà đã ở bên cạnh và đây là lúc hạnh phúc nhất. Dụi mắt, nhoẻn cười để mở quà, rồi tiếng reo lên, tiếng chân chạy rầm rập, các anh em tôi bắt đầu khoe quà, bắt đầu so sánh, bắt đầu phụng phịu phân bì… nhưng hề chi, biết đâu quà mình còn xịn hơn bạn bên nhà thì sao, bởi thế lại ôm quà chạy quanh nhà, hay ngồi mân mê, ngắm nghía. Ý nghĩa của ngày lễ Giáng Sinh chỉ là “ngày em bé Giê Su ra đời”, còn tại sao Chúa ra đời nơi máng cỏ? Tại sao lại ra đời để cứu chuộc nhân loại? v.v và v.v. đó là chuyện của thiên hạ, chứ lũ nhỏ chúng tôi chỉ biết hễ đến ngày Giáng Sinh là có quà, là có ông già Noel leo ống khói vào nhà. Mà ông già ở đâu mà ra? Sao lại ăn mặc kiểu như thế? Ống khói ở Việt nam làm gì có, thế thì ông vào bằng gì? Thì cũng chẳng phải là chuyện quan trọng của chúng tôi, chỉ biết là sáng dậy mình có gói quà là vui rồi, thắc mắc chi cho mệt óc! Ngây thơ và vô tư cứ như thế hằng năm. Rồi…
Năm 1975, đó là một Giáng Sinh buồn, có lẽ không chỉ với nhà tôi mà còn nhiều, rất nhiều gia đình khác nữa bởi Giáng Sinh cũng là mùa đoàn tụ, nhưng năm ấy biết bao gia đình đã không được hưởng cảnh này. Thời gian đó, tôi đã bước chân vào lứa tuổi đẹp nhất đời người nhưng chẳng hề có kỷ niệm nào đáng vui, đáng nhớ. Gia đình tôi chẳng còn tâm trí nào để trang hoàng nhà cửa mừng Chúa giáng sinh, chứ đừng nói chi đến việc tổ chức ăn Reveillon, sắm quà Noel. Lặng lẽ đi lễ, lặng lẽ vào giường và sáng dậy lập lại những sinh hoạt hàng ngày. Một ngày như mọi ngày! Tội nghiệp cho các em tôi, nhất là những em nhỏ năm đó mới năm, bảy tuổi, chắc chẳng biết gì đến ngày đặc biệt này khi trong nhà hay ngoài ngõ vẫn sinh hoạt như thường ngày, có chăng là ở nhà thờ treo đèn kết hoa, trang trí máng cỏ, cây Noel và những bài hát ca ngợi Giáng Sinh và chỉ có thế. Tuổi thơ của các em trôi đi trong dòng đời tĩnh lặng đó…
Với cuộc đổi đời, năm 1981, ba chị em tôi đón Giáng Sinh đầu tiên nơi xứ người, khi vừa mới từ trại tỵ nạn qua được hơn hai tháng. Vì còn ở trong Hostel (nơi chính phủ cho tạm trú ăn ở, để học Anh văn, để được hướng dẫn những thủ tục, những sinh hoạt cần thiết cho thích nghi và làm quen với xã hội mới), nên ngay những ngày đầu của tháng 12, chúng tôi đã thấy phòng ăn tập thể được trang hoàng thật rực rỡ, vui mắt. Tiếng nhạc reo vui làm lòng người cũng thấy phấn khởi, nhẹ nhàng hơn, không khí có vẻ rộn lên với những sinh hoạt dành cho người tạm trú nơi này, để chuẩn bị cho ngày Chúa xuống trần. Hằng tuần, các Soeur, Linh mục đều đến để cử hành Thánh lễ. Hẳn những ai ở Hostel Midway trong thời đó vẫn còn nhớ đến “bà Sơ bong bóng”. Bà là một vị nữ tu đáng kính nể, tuy rất nhỏ con nhưng tinh thần vị tha, bác ái thì thật là bao la và tính xông xáo thì chắc khó người sánh nỗi. Cứ cuối tuần, bà xăm xăm đi lại phòng ăn, tìm người Việt nam để nhắc nhở, mời gọi mọi người tham dự Thánh lễ, tìm hiểu văn hóa, tìm những bài đọc bằng tiếng Việt, yêu cầu giáo dân lên đọc Kinh Thánh, hát những bài Thánh ca bằng tiếng Việt… khiến người xa xứ cũng phần nào thấy mình hòa nhập vào xã hội mới, còn đám trẻ con lúc nào cũng vây quanh bà vì chắc chắn là mỗi em sẽ được phát cho bong bóng cầm tay vừa là quà cho các em, vừa như là một hình thức trang trí cho phòng nguyện thêm phần ấm cúng, thân mật. Trước ngày Giáng Sinh, bà cùng các vị nữ tu khác đến Hostel phát quà của hội từ thiện St Vincent de Paul. Quà bao gồm những thức ăn khô rất phổ biến trong ngày Noel như bánh, kẹo… thường gọi là Christmas Hampers và có cả đồ chơi, áo quần cho các em đủ mọi lứa tuổi (tất cả quà cáp này đều mới tinh, chứ không phải đã sử dụng rồi). Đến tối Christmas Eve, các nữ tu đã huy động ban hợp ca ở đâu đó đến hát cho chúng tôi nghe những bài hát Giáng Sinh quen thuộc từng được nghe bên nhà và cả những bài chỉ mới nghe lần đầu. Dù ban nhạc không chuyên nghiệp, nhưng trong khung cảnh ấm áp của mùa hè xứ Úc (bài hát “đêm đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời” mà được cất lên thì người xứ Úc tha hồ phe phẩy quạt, ngược đời thế đấy!), không khí ấm cúng như hòa cùng với đất trời, như xoa dịu phần nào nỗi buồn xa xứ, như kết nối thêm sự gần gũi, thân thiện của anh chị em đang ngồi nơi sân cỏ trong khuôn viên của Hostel… Nước mắt rưng rưng, chúng tôi cùng cầm những ngọn nến thắp sáng giơ lên cao, tâm hồn hòa vào lời ca, tiếng nhạc, cảm thấy mầu nhiệm của Chúa Giáng Sinh đã lan vào lòng như luồng điện khiến toàn thân rùng mình và cánh tay bắt đầu nổi goose bumps… Một tiếng đồng hồ với lời ca tiếng nhạc, với ngọn nến lung linh của đêm Carols by Candlelight năm ấy, có lẽ sẽ không bao giờ quên với những người thời xưa năm cũ, và với tôi, đó là một đêm dự Thánh Lễ với đầy đức tin và sốt sắng như một người mộ đạo chân chính! Khi về phòng, ba chị em nằm ôn lại chuyện xưa nơi quê nhà, và về việc vừa được tham dự Thánh lễ, cả ba bỗng dưng như thấy gần nhau hơn nữa!
Ngày hôm sau, được gọi là “boxing day”, tôi đã ngạc nhiên không ít vì từ này, cứ tưởng “ăn ngon lành, no nê ngày Noel nên giờ này đủ sức lên võ đài đánh bốc chăng?“, té ra đây là ngày để mọi người đóng góp tiền bạc hoặc thực phẩm để cá nhân hoặc hội từ thiện tặng cho những người nghèo khổ, thiếu may mắn trong xã hội. Boxing là thuật ngữ để chỉ món quà đựng trong hộp (box). Một ý nghĩa thật quá đẹp và rất nhân bản mà các nước Tây phương đều thực hiện hằng năm! Một cô bạn ngoại đạo khi biết được ý nghĩa này đã thốt lên “ủa vậy sao, chứ không phải boxing day là ngày đứng xếp hàng từ sáng sớm trước các cửa tiệm để chờ mua hàng đại hạ giá sao? thiên hạ cũng ôm lỉnh kỉnh bao, hộp khi ra về đó mà!”
Sau năm đó, chúng tôi dọn ra khỏi Hostel vì đã có việc làm, đi học… nhưng vẫn tiếp tục đi lễ trong Hostel vì lúc đó chưa biết nhà thờ ở đâu, chưa có xe để đi lại. Vào ngày Chúa nhật thì tất cả cửa tiệm đóng cửa, đón xe công cộng thì cả tiếng mới có một chuyến nên từ nhà thuê đi bộ đến Hostel vẫn là cách tốt nhất để tham dự Thánh lễ, dù là phải đi cả nửa tiếng đồng hồ mới tới nơi. Ở đó, chúng tôi gặp những người mới tới, lác đác những người quen cũ và bà Sơ bong bóng thì vẫn chạy lui, chạy tới đôn đốc người này, thăm hỏi người kia, rồi những bong bóng xanh xanh, đỏ đỏ… lại thấy bay bay trong gió từ tay các em nhỏ và hình như nụ cười của các em cùng bà Sơ như đẹp hơn, sáng ngời hơn trong nắng! Người đi dự Thánh lễ nhiều hơn, đông hơn nên giáo dân đứng tràn ra ngoài sân, không hiểu có phải vì đức tin mạnh mẽ, hay là dịp để gặp gỡ người quen, hay vì thương quý bà Sơ nhân hậu, dễ thương nhưng năng nổ đó mà nhiều người quy tụ nơi đây. Lần lần những người xưa năm cũ dần dần ra đi, người mới lại tới và cuối cùng sau khi hoạt động gần mười năm để đón tiếp người tỵ nạn các nước, trung tâm Hostel này đóng cửa để chuyển thành làng đại học dành cho sinh viên các trường cư trú. Bà Sơ bong bóng cũng di chuyển đi đâu đó mà đám dân tỵ nạn vì bận rộn sinh kế, gia đình…. cũng dần quên lãng nơi và người mà một thời mình từng lui tới, tiếp xúc….
Cách đây ba năm, bà Sơ bong bóng đã từ giã trần thế. Nhờ lời kêu gọi và thông báo của văn phòng cộng đồng Việt nam, những người tỵ nạn năm cũ đã tụ họp lại cùng dự Thánh lễ dâng lời cầu nguyện cho Linh hồn bà sớm về hưởng Nhan Thánh Chúa. Qua lời kể của các vị quan khách - những người đã thành đạt trong xã hội hiện nay - từng được bà giúp đỡ từ việc dạy tiếng Anh, tìm việc làm, xin những đồ đạc cứu trợ từ các hội từ thiện… của những năm xưa; đến cả những chuyện nhỏ nhặt như vài thanh niên thời đó thích những bài hát tiếng Anh nhưng không biết lời, thì bà chép lại nếu biết bài đó, hoặc cùng ngồi nghe máy cassette để chép lại nguyên bài cho họ; hay cả nhà thờ cùng bật cười trong nước mắt khi một vị kể lại một cách hóm hỉnh là bà đã chăm sóc những thanh niên ở lứa tuổi mười tám, hai mươi ra sao trong thời gian đó, khi đưa họ ra dạo phố ở trung tâm thương mại Highpoint shopping centre ở gần Hostel, vì sợ cả nhóm đi lạc, bà đã bắt họ phải nắm tay nhau đi hàng ngang trong shop, đúng là lớ ngớ như “lũ con bà phước”, rồi còn đưa họ ra công viên gần đó để chơi xích đu, cầu tuột nữa chứ… Thì ra dưới mắt bà, các thanh niên này cũng như những đứa con còn nhỏ dại, nên đã chăm sóc chi li, tỉ mỉ mà không biết là bọn họ ngượng biết bao trước tia nhìn của người bản xứ. Điều đó đã nói lên tình thương yêu tha nhân, mới biết bà đã không quản ngại bất cứ điều gì để giúp đỡ, để mang niềm vui đến với người. Bà đã dâng hiến đời mình để phục vụ nhân loại nói chung và cho những người tỵ nạn mới đến Úc, nói riêng. Đó là một cách rao giảng lời Chúa tích cực nhất và tạ ơn Chúa, bà đã ra đi thật nhẹ nhàng trong tuổi già. Những cặp mắt đỏ hoe, những giọt lệ rưng rưng… là những bông hoa tươi thắm để tăng thêm lòng biết ơn vị nữ tu một đời vì người. Bà đã sống đúng như lời Bailey đã nói: ”Khi bạn chào đời, bạn khóc còn mọi người xung quanh cười, hãy sống sao cho khi bạn qua đời thì mọi người khóc, còn bạn cười”!
Bây giờ, chuẩn bị cho ngày lễ Giáng Sinh và Năm Mới là những ngày bận rộn, tất bật cho những người có gia đình. Khi các con còn nhỏ, việc sắm quà còn đơn giản, vì ý thích của con cũng nhỏ nhoi như chúng, do đó việc mua quà thật là dễ dàng. Những thập niên trước, các em nhỏ cũng vẫn còn tin là có ông già Noel, nên ngay cả bưu điện Úc cũng lập một ban chuyên nhận và gởi thư trả lời cho các em với địa chỉ hộp thư là North Pole. Dần dần, với sự tiến bộ của ngành công nghệ thông tin, một trang sử về ông già Noel và những huyền thoại quanh nó đã khép lại. Dù các em đã không còn tin về ông già Noel nữa, nhưng quà được nhận trong ngày Giáng Sinh vẫn là thông lệ không chỉ cho các em nhỏ mà cả người lớn, thế nên gánh nặng lại oằn vai những gia đình có lợi tức thấp và các hội từ thiện lại phải tíu tít kêu gọi sự đóng góp những tặng phẩm cứu trợ từ những nhà hảo tâm. Mỗi năm, trường học Công giáo nơi tôi làm việc, có một truyền thống rất ý nghĩa là trích một số tiền của nhà trường và lấy tiền qua việc tổ chức fundraising trong năm để mua sắm quà và thực phẩm cho người nghèo trong vùng. Chúng tôi có nguyên một ngày, được gọi là ngày Faith Development Day – khi học trò đã nghỉ học - để cùng họp nhau lại phân loại quà theo từng lứa tuổi, gói những món quà cho các em và thực phẩm cho gia đình. Tiếng cười nói rôm rã, tay cắt, tay dán thoăn thoắt, tiếng chân qua lại đưa kéo, đưa giấy… quà được bọc giấy càng lúc càng chất cao trong phòng, rồi từng giỏ đồ nặng trĩu được khiêng ra xe bus trường để chở đến cơ quan từ thiện, mồ hôi chảy dài nhưng nụ cười đều nở trên môi mỗi người. Có thể nói, đây là một trong những sinh hoạt phục vụ tha nhân, mà các nhân viên trường làm việc với tinh thần hăng say, thích thú và nhiệt tình nhất trong năm, để làm tròn ý nghĩa về mục vụ, về củng cố đức tin tôn giáo!
Giáng Sinh, theo tôi nghĩ, không chỉ là ngày mừng Chúa Hài Đồng ra đời, là ngày vui đoàn tụ gia đình, là mùa nghỉ sau một năm làm việc mệt nhọc, mà trên tất cả, còn là ngày nhắc nhở chúng ta nghĩ đến người khác bất hạnh hơn, qua những việc làm tuy nhỏ nhưng tích tiểu thành đại, mong là mang lại một chút hạnh phúc cho tha nhân, một chút niềm vui cho các em nhỏ như là một chia sẻ, cảm thông giữa người với người.
Đó là sinh hoạt đón Giáng Sinh nơi xứ người, còn ở quê nhà, biết bao người kém may mắn, khó khăn, không biết họ sẽ xoay sở ra sao trong cuộc sống sinh nhai hằng ngày và trong những ngày đặc biệt như Giáng Sinh, Năm Mới? Còn các em nhỏ có bao giờ hưởng được một món quà nhỏ trong ngày Tết, ngày Chúa ra đời, hay đây chỉ là ước mơ xa xỉ? Mức sống chênh lệch giữa người nghèo và người trung lưu (không dám so sánh với người giàu có hiện nay trong nước) biết đến bao giờ mới được kéo gần hơn hoặc được san bằng hay muôn đời chỉ là một giấc mơ không tưởng? Xin được dâng phó niềm ước mơ này trong vòng tay Thiên Chúa!
Hồ Diệu Thảo