PSSC2017    PSSC2016    PSSC2015

.

Trời mưa ròng rã cả tuần lễ liền tại vùng Vịnh Mexico vì sắp tới mùa bão tố.  Thiên thời mà người dân vùng này được "ân hưởng" hàng năm.  Trong khi vùng  Cali thì tìm hiếm mưa cư dân phải dùng nước hạn chế, thì vùng Vịnh, gồm Houston, Dallas, Oklahoma, năm nay mưa ơi là mưa!  Bão tố chưa chi đã hoành hành, và ngày 29 tháng 5, 2015 Tổng Thống Obama tuyên bố khu này bị thiên tai, sơ khởi có cả quận Harris của thành phố Houston và Fort Bend Sugar Land.  Mặc dù vậy, nhịp sống người dân không đến nỗi đình trệ.  Và tôi cùng các bạn ở Houston vẫn theo chương trình đến Dallas như dự định để anh em có cuộc họp mặt "thân hữu bỏ túi", tại nhà người bạn cùng khóa ở Keller, TX.  Theo tin thời tiết thì hôm đi sẽ mưa, mưa và mưa!  Nhưng trời thương sáng hôm khởi hành, Houston nắng đẹp.  Và chương trình ra đi "Hội Ngộ" bắt đầu.            

Hội Ngộ

Để tránh tình trạng kẹt xe, chúng tôi rời Houston đúng 10:00 giờ sáng.

Đến đón người bạn HKD trước, xe còn một chỗ trống, tôi mời chị D đi cùng, nhưng từ chối và tiễn chồng nơi cửa.  D. chọn ngồi phía sau, nhường chỗ trưởng xa cho C. nói chuyện với tôi trên chặn đường dài để khỏi buồn ngủ.  C. chuẩn bị sẵn và đón chúng tôi ở cửa, khệnh khạng mang túi xách đầy chả lụa khoe còn nóng hổi.  Nhưng vừa lên xe, sau khi tôi nhắc, anh cười cười quày quả trở vào nhà mang xách tay Samsonite như đi kinh lý!  

Trên xe gồm ba cụ thất-thập.  Người nào cũng mang theo món rất quan trọng, không phải quà biếu, không phải tiền . . . mà là thuốc men cho một ngày đi đường.  Đứa bệnh tim, đứa bệnh kiến-bu thêm lãng tai, đứa bệnh đau đầu gối.  Suốt hơn hai trăm dặm đường, toàn nói chuyện kinh nghiệm . . . bệnh hoạn và cách trị liệu Đông Tây.  Nhưng rồi chứng nào tật nấy, bệnh nào cũng nằm ỳ ra đó, phải canh chừng hàng ngày còn hơn canh đồn, giữ bót thời xưa.  Trên đường đi, C. có nhiệm vụ lo cho tôi tỉnh ngủ, nhưng anh che miệng ngáp dài ngáp vắn.  Tội nghiệp, tôi nói buồn ngủ thì cứ ngủ.  Chưa đầy vài phút sau tôi đã nghe tiếng anh ngáy đều đều.  Người sướng có số!  Anh vẫn bảo với tôi vậy.  Còn phía sau D. lơ đễnh ngắm nhìn cảnh trí lướt nhanh qua xe.  Tôi nói gì anh cũng không trả lời, chỉ tội cái tai!          

Vậy mà sau năm giờ lái, chúng tôi đến nhà người bạn cùng khóa đúng như dự định.  Không tệ với cái tuổi thất-thập!  Vợ chồng anh CQQ đón chúng tôi ở cửa niềm nở, siết tay thật chặt.  Không mất nhiều thời gian, chúng tôi yên nơi yên chỗ, vì mới năm rồi chúng tôi cũng ngủ lại đây trong kỳ họp mặt anh em.  Anh chị CQQ, rất hiếu khách thay phiên gọi các bạn ở vùng Dallas thông báo và đốc thúc mọi người đến đúng hẹn, vì đám đường-trường-xa đã đến rồi.  Không lâu, chúng tôi đã khui chai Cordon Blue khai vị chờ bạn. 

Dallas với Houston là láng giềng gần, so với anh em khắp cùng nước Mỹ, Năm Châu và Việt Nam.  Nhìn anh em sau một năm với nhiều thay đổi.  Cũng nơi này năm trước, cũng mưa gió như năm nay, buổi họp mặt thật vui nhưng nay thiếu vài người vì lý do sức khỏe.  Người bạn chúng tôi tên A.  thì cả năm năm nay không đi đâu vì tình trạng ngày càng sa sút.  Ngược lại, có người cả gần chục năm không hề gặp, thì năm nay được đón anh. 

Bàn tiệc bắt đầu khi mọi người đến đông đủ.  Kiểm lại thần sắc anh em, dung nhan mấy chị.  Có vài người đẹp ra!  Còn đa số thì thoa lớp phấn bụi thời gian.  Thức ăn ê hề.  Chai Cordon Blue thứ nhì và chai rượu chát được mở tiếp cho cuộc vui thêm hương vị nồng cay.  Được biết tối nay sổ số Power ball trên 200 triệu USD.  Cả nhà ào-vào-cuộc-chơi-triệu-phú, nhao nhao là sẽ làm gì với số tiền trúng.  Nhìn tấm vé số anh H. mua, tôi bàn Mao-Tôn-cương như vầy:

Mỗi hàng $1, vé có 8 hàng số, vì có 8 người hùn tức số "18"
Con số đầu tiên của hàng số đầu là số "18"
Con số đầu tiên của hàng số cuối lại là số "18"
Cả nhà họp mặt khóa "18"
Vậy thì triệu phú ắt về tay chúng ta!

Nghe rất có lý ăn đứt mấy giáo sư bói toán.  Nhưng khi tiệc chưa tàn, giấc mơ thành triệu phú đã tàn!

Cuộc vui tiếp tục chuyển từ bàn ăn sang bàn đấu láo.  Chúng tôi chia 2 nhóm theo “gender”.  Nghe loáng thoáng mấy chị ngâm thơ.  Trong khi chúng tôi tiếp tục "giải quyết mấy thức uống còn lại, cùng lo chuyện đại sự giải quyết tình hình căng thẳng trên thế giới, và tiết lộ thiên cơ bất khả lậu"!  Khi rượu vào là lúc những gì trong tiềm thức được mở nắp tuôn lai láng.  Đứa thì kể chuyện lăng nhăng thời trẻ, vậy mà cũng còn nhớ đưa mắt nhìn vợ ngồi bên kia.  Không nói thì ức, giờ này là lúc nhớ "thời oanh liệt nay còn đâu", nhưng cũng còn sợ.  Bao nhiêu năm xa nhau từ ngày mãn khóa tung hoành khắp nơi, đến nay, đứa làm quan to, đứa thì quan quận, đứa quan nhỏ coi tù, đứa thì đảm trách công tác "bí mật giờ bật mí", đứa thì vào sanh ra tử mà mình không vết đạn, nhìn lại chỉ tôi muôn đời là thằng-da-đỏ.  Bao nhiêu chuyện chưa hề nghe được phăng ra quanh bàn tán gẩu.  Xưa kia, chúng tôi là những người trai trẻ khắp cùng nước Việt, vì quốc gia nên gặp nhau trong mái trường Mẹ Võ Bị, để rồi sau đó lặn lội khắp bốn vùng chiến thuật.  Thời gian hơn nửa thế kỷ, rất dài so với đời người, nhưng ngắn cho cuộc cờ chiến tranh Việt Nam, và không bằng bụi mờ so với lịch sử bốn-ngàn-năm-văn-hiến.  Con người thường chấp nhận dữ kiện đến đi mà không hề đặt câu hỏi tại sao.  Cuộc sống chúng ta cũng vậy.  Cuộc đời của anh em ngồi quanh cũng thế.  Bao nhiêu năm tứ tán càng ngày càng xa tuyến-xuất-phát, thời gian, không gian, hoàn cảnh chính trị, môi trường sinh sống . . làm chúng tôi ngày càng xa nhau.  Họa chăng những giây phút như vầy để anh em có dịp đồng quy trong khoảnh khắc, trước khi trở lại quỹ đạo của mỗi người.   Gặp nhau, vui buồn cùng san sẻ, anh em bàn thảo đủ chuyện trên trời dưới đất, nếu đôi khi đến hồi quyết liệt thì cũng không lạ gì, vì dễ gì chúng ta có thể hòa đồng như thời xa xưa.  Rồi tôi cũng sẽ trở về nếp sống đơn thuần cô đơn, nhưng mầu nhiệm.  Mầu nhiệm vì biết rằng sẽ tiếp nối vai trò con rối với sứ mạng đã được an bài từ ngày mở mắt chào đời. 

Đêm về khuya, rượu còn sót chạm đáy chai lúc nào không hay.

Tôi lặng lẽ rút lui để tìm giấc ngủ sau một ngày là thằng-da-đỏ của anh em.  Tuy vậy rất vui, bởi có nhiều người muốn đóng thế vai tôi mà không được.  Hạnh phúc là ở chỗ vui lòng với hiện tại, sống với tấm lòng chân thành cho bằng hữu và tha nhân.  Nằm trong căn nhà ấm áp tình bạn, khi bên ngoài trời đổ mưa, sấm chớp lập lòe.  Chợt thức giấc, nhìn đồng hồ hơn hai giờ sáng.  Tiếng lao xao còn vang vọng từ dưới lầu.  Tôi mỉm cười trong giấc ngủ chập chờn ấm tình bằng hữu và ươm mát của cơn mưa đầu Hạ.

Hôm sau trời còn tờ mờ, đã nghe tiếng ồn ào.  Quái lạ, các bạn tôi có ngủ đêm qua không?  Tôi tự hỏi.  Có đứa ở quanh Dallas đã trở về nhà từ sáng sớm.  Cơn mưa vẫn còn dai dẵng.  Nhưng dứt hạt khi bình minh ló dạng.  Những ly cà phê đầu ngày bắt đầu cho một ngày mới, và cũng để chấm dứt chuyến đi vỏn vẹn hai-mươi-bốn-giờ.  Mưa và cà phê đầu ngày với tôi thật dễ yêu và có nhiều kỷ niệm.  Trong giây phút, kỷ niệm sống dậy mãnh liệt.  Tôi mơ màng nhìn mình lập lòe qua ánh nước đặc sệt màu cà phê.  Hai tay ôm cốc cà phê ấm như sợ kỷ niệm bốc khói.  Những khuôn mặt bạn tôi trầm ngâm quanh bàn tròn sáng nay khác hẳn khuôn mặt hôm qua, phảng phất tâm trạng của từng đứa.  Bài nhạc xưa "Hai Mươi Bốn Giờ Phép" của Trúc Phương giờ này mới thấy thấm thía, dù bên kia không có người yêu chờ đợi, nhưng có những người bạn vong niên đợi chờ rồi chia tay.

Từ xa tôi về phép hai mươi bốn giờ
Tìm người thương trong người thương
Chân nghe quen từng viên sỏi đường nhà
Chiều nghiêng nghiêng nắng đổ
Và người yêu đứng chờ ngoài đầu ngõ bao giờ . . .  
Bốn giờ đi dài thêm bốn giờ về
Thời gian còn lại anh cho em tất cả em ơi

Ta đưa ta đến đỉnh tuyệt vời
Ðêm lạc loài giấc ngủ mồ côi

và,


Người đi chưa đợi sáng
Ðưa nhau cuối đường sợ làm đêm vui rủ xuống
Thương quê hương và bé nhỏ tình này
Ngừng trong đôi mắt đỏ
Vì mình mười sáu giờ bỏ trời đất bơ vơ

Cuộc vui nào cũng tàn và chia tay.  Chỉ trong 24 giờ mà như chừng tôi đã sống qua quãng thời gian thật dài, có đủ thăng trầm, hỷ nộ ai lạc, nhưng thật nhiều thơ mộng trải dài từ tuổi thanh xuân đến khi ngã bóng hoàng hôn.  Nơi đó tôi bắt gặp tình bạn khó thay thế và đánh đổi.  Tôi tiếc cho những đứa bạn không cùng đi với hôm nay.  Biết chừng nào mới có cơ hội gặp lại.  Đường về Houston hun hút.  Tôi cám ơn những người bạn bỏ lại sau lưng đã cho Hai-Mươi-Bốn-Giờ-Phép nhớ đời.  Cũng con  đường này mới đi qua  hôm qua, nhưng nay sao cảm thấy lê thê.  Mệt mỏi, tôi nhường tay lái cho người bạn thất-thập.  Trời chiều, nhưng nắng vẫn còn cao phương Tây.  Mưa bắt đầu nặng hạt khi tôi đặt túi hành trang vào nhà.  Tâm tình thay đổi từ lúc Hội Ngộ đến hồi Chia Tay.  Xốn xang vì cuộc vui qua mau, Hợp Tan chỉ trong chớp mắt!

Chia Tay Vĩnh Biệt 

Ừ nhỉ!  Hợp-Tan chỉ trong chớp mắt!   
Bao nhiêu lần trong đời người phải chia tay nhau. 

Nhưng Vĩnh-Biệt là mãi mãi không còn gặp lại.  Có người rời khỏi quê hương để rồi không một lần trở lại.  Có người dù trở lại quê hương nhưng như lạc vào nơi xa lạ.  Đã bao nhiêu lần tôi vĩnh biệt người thân.  Vĩnh biệt ba tôi khi phục vụ tại miền Trung, trở về không được nhìn cha lần cuối vì nắp quan tài đã đậy; không được chào mẹ lần chót vì quê hương vạn dặm; bao nhiêu lần tôi chào vĩnh biệt quân nhân thuộc cấp trong những chuyến công tác không trở về, hay tiễn chào lần cuối chiến hữu và đồng hương gởi thân nơi đất khách.  Nhưng có lẽ đau xót nhất là lần vĩnh biệt chiếc bóng đã cùng tôi qua bao nỗi thăng trầm.  Những lần chia tay này ăn sâu trong tiềm thức, thời gian sẽ không làm nhòa vì vết hằn không bao giờ phai.

Và hôm nay, những kỷ niệm xót xa đời mình như hiện về, khi xem những mẩu tin về người rất trẻ tên Beau Biden vừa qua đời vì căn bệnh ngặt nghèo như nhà tôi trước đây.  Người ta có số mạng, tôi vẫn tin như vậy.  Phong tục người Hoa Kỳ chết tức là trở về nhà, không có gì đáng buồn mà là lúc “Celebrate of Death” cũng như tôi đã tiễn đứa con dâu cách nay không lâu.  Nhưng làm sao tránh đau buồn cho người ở lại.  

Trở lại câu chuyện, Beau Biden là con trai của Joe Biden, Phó Tổng Thống, Hoa Kỳ.  Anh chết vừa tròn 46 vì bệnh ung thư óc.  Cuộc đời chính trị đang thời kỳ đơm hoa.  Riêng PTT Joe Biden, trước đây tôi nghĩ ông là nhà chính trị không có chiều sâu, diễu cợt không hợp thời đúng lúc.  Nhưng sau cái chết của con ông, nhìn hình ông trầm ngâm cô đơn, tôi như cảm nhận sự đau đớn của người cha mất con.  Tôi đồng cảm sự sâu thẩm trong lòng ông, và tôi hoàn toàn thay đổi thiên kiến về ông.  Trong đám tang con trai tại nhà thờ St. Anthony of Roman Catholic Church ở Wilmington, Delaware, ông chọn sự im lặng thay vì nói lời từ biệt con mình trước công chúng.  Tôi lại càng kính phục ông hơn.  IM LẶNG LÀ SỰ HY SINH VÀ ĐAU KHỔ TUYỆT CÙNG.  Sự ra đi của người con là niềm đau khổ không bút mực diễn tả.  Nhớ lại, năm 1972 khi ông vừa đắc cử Thượng Nghị Sĩ tiểu bang Delaware được 6 tuần lễ thì vợ ông và đứa con gái chết trong tai nạn xe, và Beau Biden lúc đó mới 3 tuổi phải nằm nhà thương.  Thay vì làm lễ tuyên thệ nhậm chức tại Washington DC, ông chọn làm lễ tuyên thệ bên giường bệnh con mình.  Sau đó, hàng ngày ông bỏ ra bốn tiếng đi về, để đêm đêm đọc truyện cho con ngủ, và hôn con mỗi sáng trước khi lên đường phục vụ quê hương.  TÌNH GIA ĐÌNH VÀ TÌNH YÊU QUÊ HƯƠNG của ông Joe Biden là tấm gương trong sáng. 

Gần đây, sáu tuần trước khi Beau Biden mất, ông đã thố lộ trong bài diễn văn kết thúc buổi nói chuyện nhân dịp lễ ra trường ở Đại Học Yale như sau:

“Looking back on it, the truth to be told, the real reason I went home every night was that I need my children more than they need me”  

Ngẫm chuyện đã qua, sự thật đã được phô bày, lý do chánh mà tôi đi về hằng ngày để được bên con là vì tôi cần chúng hơn là các con cần tôi”. 

Câu nói để đời, nói lên tấm lòng thương con vô bờ, không phô trương, chân thành và giản dị.  Tôi càng kính phục ông hơn. Những người với tâm hồn như PTT Joe Biden thật khó tìm trong cuộc sống mà con người.  Hãy chinh phục lòng người qua chiều sâu tâm hồn hơn là bộ mặt phô trương giả tạo! 

***

Chỉ một tuần qua, thật nhiều biến chuyển tôi gặp phải trong đời.  Hội Ngộ và Vĩnh Biệt.  Hợp Tan như hai trạng thái đối cực của đòn gánh trong quang gánh cuộc đời.  Tôi học được thêm điều thâm thúy của tình bạn trong lần hội ngộ, và tình yêu của người cha dành cho con lúc vĩnh biệt mà trong khoảnh khắc chinh phục lòng tôi.  Tiền tài, danh vọng, lớp sơn hào nhoáng, chỉ là ảo ảnh phù du.  Chỉ có sự chân thật, chiều sâu tâm hồn, mới chinh phục được lòng người vĩnh viễn.  Bên dưới mặt hồ phẳng lặng biết đâu không là kho tàng yêu thương, và bên dưới khuôn mặt lạnh lùng chắc gì không chứa một tình yêu trời biển! 

Nghĩ cho cùng, số mệnh cũng như thiên nhiên thật khó lường.  Như khi bắt đầu câu chuyện thì trời mưa rã rích, và khi câu chuyện trong tuần chấm dứt thì bên ngoài nắng ấm chan hòa. 

Hội ngộ và chia tay. 
Hợp Tan. 
Hai thái cực cuộc đời. 
Thiếu một, quang gánh cuộc đời sẽ bị xô lệch.     

 

Phạm Văn Hòa