.

Buổi chiều Chúa Nhật bên Úc, nhận được email từ miền Đức quốc, báo tin cậu con trai út Vĩnh Duy vừa tốt nghiệp Tú tài. Bài viết dưới đây như một lời chúc mừng gửi đến gia đình anh Long và Kiều Loan và cũng là một chút chia sẻ về ngày lễ tốt nghiệp trung học ở Việt Nam thời xưa và ở Úc, Đức vừa được biết đến hiện nay.

Là phụ huynh, lại làm nghề giáo nên được dự khá nhiều buổi lễ tốt nghiệp Trung học lẫn Đại học trong cuộc đời lưu vong. Nhớ lại những năm còn thơ ấu ở Việt Nam, những buỗi lãnh thưởng đã là niềm hãnh diện không những cho chính bản thân mình mà còn là niềm vui cho cha mẹ đã bỏ công vất vả và hy sinh nuôi dưỡng con. Tuy nhiên ngày tốt nghiệp trung học phổ thông, được gọi là Tú tài thời đó (thập niên 70) lại  không có gì đặc biệt. Đi xem bảng nơi trung tâm mình dự thi, có thể là đi với bạn để cùng nhau hòa chung niềm vui “bảng hổ đề tên” hoặc chia sẻ nỗi buồn thi rớt của một vài người trong nhóm. Hoặc đi cùng cha mẹ, anh chị để rồi những cái nhảy mừng la hét, hay gục đầu lặng lẽ chùi ra khỏi đám đông người đang xôn xao trước bảng, để thẫn thờ bước trên đường với thất vọng lẫn lo sợ cho tương lai... Nếu thi đậu, tùy theo gia cảnh , gia đình tổ chức đãi tiệc ăn mừng, cho quà, đi du lịch hay chỉ là một món ăn ngon, bộ quần áo mới. Rồi sau đó là lại tiếp tục đèn sách hì hục ôn thi vào các trường Đại Học được tuyển chọn hoặc ghi danh vào các trường Đại học không đòi hỏi kỳ thi. Còn thi rớt, ngoài nỗi thất vọng của chính mình và gia đình, còn là mối lo âu “rớt Tú tài anh đi trung sĩ “ hoặc phải “theo chồng bỏ cuộc chơi”… Cơm áo gạo tiền và chiến tranh thời đó đã  thúc đẩy các học sinh có ý thức và phải nỗ lực nhiều lắm trong việc học, nhất là những gia đình đông con và nghèo khó, bởi chỉ gia nhập vào giới khoa bảng mới có thể hãnh diện nhìn đời trong xã hội Việt nam thời đó. Chỉ đến năm tốt nghiệp Đại học mới có lễ tốt nghiệp, để rình rang mũ mão, nhưng thời tôi học thì phải đi làm hai năm sau khi ra trường, mới quay về lãnh bằng tốt nghiệp Cử Nhân được, tuy nhiên vì đã ra đời, va chạm thực tế, cảm giác lúc lãnh bằng không thật sự xúc động, vui mừng lắm vì không phải ai ra trường cũng kiếm được việc làm ưng ý, có người vẫn còn đang tìm việc .v.v… cho nên vô tình có một hố ngăn cách, tạo ra ranh giới vô hình giữa bạn bè với nhau, vì thế nỗi vui mừng hội ngộ không hồn nhiên, vô tư  như thời đi học được.

Vì không biết hiện nay nước ta tổ chức lễ tốt nghiệp cho các em trung học như thế nào nên chỉ nhắc sơ qua lễ tốt nghiệp bên Việt Nam thời xa xưa đó để so sánh với các buổi lễ bên xứ người. Ở Úc, lễ tốt nghiệp trung học được cử hành trang trọng, các em học sinh phải mặc áo quần đồng phục của trường và ngồi theo lớp, cha mẹ ngồi riêng. Sau khi được gọi tên lên lãnh bằng, các em và gia đình được mời ăn những thức ăn nhẹ bên ngoài hội trường. Dạ tiệc ra trường thì đã tổ chức trước ngày các em chuẩn bị thi giữa năm.

Còn bên Đức, nhờ nhận được email của anh Long, webmaster trang Tống Phước Hiệp gởi hình ảnh và video clip cho cả nhà, báo tin cháu út là Vĩnh Duy vừa tốt nghiệp Tú Tài bên Đức quốc, mới tạm hình dung quang cảnh của buổi lễ. Các cô cậu Tú tân khoa mặc đồ dạ hội, nhanh nhẹn, vui tươi tiến vào hội trường giữa khung cảnh rực rỡ tràn ngập ánh chớp sáng và âm thanh rộn rã của tiếng nhạc, góp phần thêm vào niềm vui và hạnh phúc dành cho những ai tham dự nhất là các học sinh và ba mẹ, thầy cô. Lạ một điều là học sinh được nhận một cánh hồng trắng có cài huy hiệu trường, có lẽ hoa hồng trắng tượng trưng cho sự ngây thơ trong một thế giới nguyên vẹn và trong sạch; nhắc nhở sự thuần khiết và trung thành  khi bước chân vào xã hội. Một ý nghĩa thật sâu sắc và nhân bản!

 

Nhìn hình ảnh rạng ngời của các cô cậu Tú tân khoa, nét mặt hãnh diện của ông bố bà mẹ và cách tổ chức vô cùng lộng lẫy tráng lệ mà thấy vui lây. Dựa vào những tấm hình được gởi qua chia sẻ, mới thấy tấm lòng của cha mẹ dành cho con cái qua cảnh bắt tay dặn dò, qua cách sửa lại cà vạt, mái tóc…  và cái tươi vui, tíu tít của con trẻ  gặp bạn bè, cha mẹ của nhau… Rõ ràng, buổi lễ đã đánh dấu và ghi nhận những thành quả của các em và gia đình sau nhiều năm miệt mài đèn sách và hy sinh, hỗ trợ lẫn nhau giữa gia đình và học đường. Đây là mốc thời gian mà các em đã bắt đầu trưởng thành. Qua dạ tiệc -  với rượu trà, khiêu vũ - đã mặc nhiên công nhận các em bước vào thế giới người lớn. Với gia đình anh chị Long Loan thì chắc hẳn là vui mừng và thở phào nhẹ nhõm vì con mình vừa qua được một đoạn đường - mà theo kinh nghiệm - đã không ít gia đình phải buồn rầu, thất vọng vì con mình đã vấp ngã hay bỏ cuộc nửa chừng. Được biết, anh chị đã chuẩn bị và chờ đợi ngày này đã lâu (xin được phép nói đùa một tí “vì tuổi già mà còn ham vui” nghĩa bóng, nghĩa đen chi cũng không sai đâu) Nói không ngoa thì thành công của con, không chỉ là nỗ lực học tập của chính các em - mà phần lớn - còn là  những hỗ trợ, chăm sóc , khuyến khích và cả hy sinh từ cha mẹ. Có thành quả nào mà không gian nan, nhất là đi theo con đường đèn sách, bởi thế cứ mỗi lần dự lễ, mỗi lần nhận hình ảnh về các buổi tốt nghiệp được chia sẻ, tôi vẫn thường nghĩ “vậy là cha mẹ trúng số to rồi”. Vậy thì xin chúc mừng anh chị Long Loan về thành quả cháu Vĩnh Duy đạt được hôm nay, hy vọng rằng không bao lâu nữa sẽ đón nhận tin “trúng số độc đắc”, anh chị nhé! Bởi vì tốt nghiệp trung học, trở thành các cô cậu Tú, chặng đường học tập trước mặt đã không còn dài để tiến tới thành công bởi với hành trình khởi đầu suôn sẻ, thì thành quả tốt đẹp của tương lai sẽ là điều hiển nhiên.

Bài viết xin được khép lại tại đây,  đại diện nhóm bạn “rừng rú và ao hồ, hoa cỏ” xin gửi  lời chúc mừng đến cháu Vĩnh Duy và  anh Long, Kiều Loan. Mong rằng  cháu sẽ đạt được những hoài bão mà mình đang hướng tới trong tương lai, thăng tiến trên đường sự nghiệp và đóng góp tài năng mình cho việc phục vụ tha nhân và làm rạng danh người Việt nơi quê hương thứ hai.

 

Diệu Thảo