PSSC2017    PSSC2016    PSSC2015

Star InactiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive
 
 
 
 
Thu đã gần tàn.  Đông ngấp nghé ngoài ngõ.  Mấy ngày lạnh dưới độ đông đá vừa qua làm cây cối cũng ủ rũ nói chi những người lớn tuổi.  Trời lạnh như vầy mỗi mùa Đông là bao nhiêu chuyện phải lo.  Cây cối, hoa kiểng.  Cái thân già nua, nhất là những người sống một mình vì không muốn bị ràng buộc phiền lụy con cháu, vì muốn chứng tỏ mình còn tự lo được mặc dù tuổi ngày một cao.  Nấu nướng là chuyện ai cũng ngại.  Bởi vậy thấy thương mấy bà nội trợ, lúc nào cũng lo ăn uống cho cả gia đình, chẳng những vậy mà phải ngon miệng.  Nhớ lúc còn ở trong quân đội, đi tu nghiệp ở Hoa Kỳ không bao lâu mà lúc nào trong đầu cũng nghĩ là hôm nay, tuần này ăn cái thứ gì.  Chẳng lẽ lúc nào cũng ăn ở nhà hàng hay câu lạc bộ.  Tiền đâu, lại nữa các món ăn Mỹ mà ăn trường kỳ thì chắc là nuốt không trôi.  Tội nghiệp nhà tôi lúc ở Việt Nam làm gì biết nấu phở vậy mà khi qua Mỹ, vào năm 75 thì đâu có quán phở như bây giờ, phải học lóm, học hàm thụ, cuối cùng cũng nấu được nồi phở.   Dạo đó, hương vị đậm đà ngon ơi là ngon!
Vậy rồi thấm thoát bao nhiêu thay đổi.  Giờ nhà tôi không còn, mà tiệm phở mọc lên như nấm.  Trong đời bao nhiêu chuyện đáng nhớ đáng ghi trong bao nhiêu năm qua, nhất là mùa Đông lẩn quẩn trong nhà, bao nhiêu kỷ niệm ập đến.  Bên ngoài lạnh lẽo, trong này nếu hai tay được ôm tô phở bốc khói, ấm áp vô cùng, chưa ăn đã thấy ngon.  Nhưng hôm nay không nhà tôi, không phở, trời lạnh, ngại đi ra ngoài nên nấu "đại bà" món gì bỏ bụng.  Nhìn quanh, hộp gạo bằng nhựa loại to-go thằng bạn cho ăn cả mấy tháng chưa hết.  Tôi sẽ nấu nồi cơm có cơm cháy ăn với thịt gà chà bông.  Tuy không có canh sốt, nhưng cơm nóng, nhất là cơm cháy nóng khi bên ngoài lạnh lẽo thì còn gì ngon hơn.  
Nhớ khi còn nhỏ, xóm tôi nhỏ lắm, không có bao nhiêu căn nhà, nằm sâu trong ruộng.  Xung quanh có lũy tre bao bọc, nhà tranh vách lá.  Cây rơm bên hông nhà để cho trâu bò ăn.  Chuồng gà, chuồng heo nằm chung phía  sau, heo nằm dưới, gà ngủ trên cây đà phía nóc chuồng lúc ban đêm.  Chung quanh có ao cá, dù không nuôi nhưng vẫn có ăn hàng năm vào mùa nắng hạ, khi lúa chín ngoài đồng.  Xóm tôi đúng hình ảnh nhà quê thơ mộng mà người dân thành thị, nghe nói nhưng chưa từng thấy.  Xóm tôi đẹp vô cùng, mà nay biến dạng.  Ký ức lùi lại bao nhiêu năm để cho tôi sống với mớ kỷ niệm chốc chốc hiện về.  Xóm nho nhỏ này đúng ra là một đại gia đình, bởi vì nhà nào ăn món gì cả xóm đều biết.
- "Hòa à, con qua nhà bà Hai Lý mượn cho má chén nước mắm."
- "Hòa à, đến cô Tư Chảy lấy hủ tương má nhờ mua"...   
Má tôi thường sai vặt tôi đi cùng khắp xóm.  Nên nhà nào có gì là Hòa tôi đều biết.  Cái vui và niềm vui của thôn quê miền Nam là vậy đó.  Tìm đâu ra ở xứ  Mỹ này, nhà nào nhà nấy đóng cửa im ỉm.  Thậm chí ở chung cư cũng vậy.  Thuở đó,  cạnh nhà tôi có anh "Tư Chẩy", gốc Tàu lai lấy vợ Miên lai sanh con Việt lai đủ thứ, anh làm Tổng-Khậu tức làm bếp chánh cho tiệm cà phê.  Mỗi ngày đi làm về anh thường mang mấy dề cơm cháy chảo có mở hành nêm tí đường.  Hương thật thơm, vị thật ngon, nhai thật giòn.  Cơm cháy anh nấu rất khéo, không đen, vừa vàng để lâu vẫn dòn.  Ăn riết rồi đâm ghiền, cho đến bây giờ, anh chết mất đất tự hồi nào, mà kỷ niệm "Cơm cháy anh Tư Chẩy" vẫn còn ở trong tôi.    
Tối nay, tôi phải nấu nồi cơm có cơm cháy!   
Bốc hai nắm gạo bỏ vào nồi nhỏ, vo cho bớt nước đục.  Cho lên bếp nấu chừng năm, bảy phút là có nồi cơm chừng một chén nhỏ với cơm cháy vàng lườm.  Mùi thơm của gạo, mùi khen khét của cơm cháy làm bụng đói cồn cào.  Nhìn đồng hồ gần tám giờ đêm!  Cắt trái dưa leo.  Đem chút chao trong tủ lạnh cho thêm ớt.  Chén cơm nóng sốt.  Nồi cơm ngâm nước để dễ rửa kêu xèo xèo bốc khói.  Mâm cơm đạm bạc, có thêm ít thịt gà chà bông.  Ngồi vào bàn, sau lưng là chiếc bóng mình in trên vách.  Trước mặt là TV, mở từ hồi nào và chương trình gì cũng không để ý, vì chỉ cần tiếng động quanh đây để biết mình hiện hữu.  Hồ nuôi cá nhỏ đèn sáng lóng lánh, nước sùi bọt nhưng trống không vì cá đã chết cách nay ít lâu.  Nơi bàn ăn, chiếc ghế bên cạnh trống trơn, im lìm.  Tiếng cơm cháy nhai trong miệng vang lên tai nghe rõ mồn một.  Với ai có tâm hồn lãng mạn, đang yêu, có thể mường tượng như tiếng chân trên biển cát, như tiếng lao xao thành khúc nhạc hòa cùng sóng biển nên thơ.   Còn tôi, hôm nay ngồi đây nhai cơm cháy như nghe từng tiếng vọng của quá khứ và kỷ niệm.  Quá khứ đi lần từ sáu bảy thập niên trước khi tôi mới nếm mùi cơm cháy lần đầu và thèm nhớ đến hôm nay.  Suốt chặng đường đời đi qua, bao nhiêu kỷ niệm gắn liền vào đời mình bao nhiêu lần tôi ăn cơm cháy.  Cần gì cao lương mỹ vị, chỉ miếng cơm cháy nếu có người ăn cùng, cùng nhai miếng cơm cháy tưởng như cặp tình nhân đi dạo trên bờ biển vắng, cát vàng như màu cơm cháy, thơ mộng làm sao, sẽ là kỷ niệm khó quên.  Nhưng tất cả qua đi theo thời gian, có chăng chỉ là ảo giác!  Cuộc đời không có gì bất biến.  Mùa Thu chưa hẳn qua đi, mà mùa Đông đã đến rồi.  Đem giá buốt bên ngoài làm tái tê lòng.  Buổi cơm chiều là lúc buồn nhất trong ngày.  Lâu lâu, có buổi  tiệc đi ăn ngoài, hay những buổi bạn bè gặp mặt làm sao đủ khỏa lấp phần trống vắng trong giếng sâu thăm thẳm đời mình. 
 
Càng nghĩ, miếng ăn trôi qua cổ họng như nuốt từng sỏi sạn cuộc đời.  Ngụm nước giúp trôi món cơm cháy có vị ngọt mặn của thức ăn và vị cay cay cuộc đời.  Hương thơm thoang thoảng của mùi gạo rang đánh thức khứu giác và vực dậy tiềm thức những kỷ niệm củ mới đang yên nghỉ.  Lòng cảm thấy nao nao mỗi buổi cơm chiều.  Cũng chỗ ngồi này.  Cũng trên chiếc ghế này.  Bao nhiêu năm lạnh lùng lặng lẽ.  Có ai ăn cùng, hay có con cháu ăn cùng trong những lúc gặp mặt.  Nhưng rồi ai về nhà nấy.  Mỗi người có cuộc sống riêng tư. 
Buổi cơm cháy chiều nay chấm dứt trong sự im lặng cũng như lúc bắt đầu.  Ngọn đèn vẫn im lìm trên đầu soi mói như xỉa xói đời mình. 
-  Đèn ơi!  Tôi có gì đâu giấu giếm!  Cuộc đời mênh mông vô thường.  Con người là một vũ trụ.  Hãy đừng tìm hiểu tôi, cũng như tôi không màng tìm hiểu người đời, kể cả mấy đứa con.  Tôi chỉ cám ơn có được miếng ăn, được mái nhà, còn sức, răng cỏ còn mạnh, để nghiền từng hạt cơm cháy để sống mà nghiền ngẫm sự đời.  Tôi vét đến hạt cơm cháy cuối cùng còn sót trong chén nhỏ, ăn hết những thức ăn dù đạm bạc để cảm ơn những gì được ân hưởng. 
-  Đèn đừng soi mói nữa!  Ba má tôi chẳng phải đã dạy tôi là không được bỏ mứa, vì sẽ có ngày không có miếng cơm ăn.  Tôi vẫn nhớ lời dạy cho đến từng tuổi này.  Hãy nghĩ có những người, những đứa trẻ vào giường đêm đêm với bụng trống không trong xã hội thức ăn ê hề thừa mứa.  Tôi còn hơn họ, đó là niềm hạnh phúc mà tôi tự an ủi đêm đêm.
 
 
Vào bàn viết, ghi vội vài dòng về những ngày cuối Thu.  Mùa Đông ngấp nghé ngoài cửa.  Tôi không còn trách mùa Hè sao quá oi bức.  Không còn muốn giữ mãi mùa Xuân với sắc hoa muôn hồng nghìn tía, lộc non với mùi hoa bưởi thơm ngát vườn sau.  Tôi không còn đếm từng chiếc lá Thu lìa cành theo gió để lòng man mác buồn không biết lá theo gió về đâu.  Tôi cũng không quá mơ mộng vì sắc lá đổi màu như bức tranh tuyệt tác trời ban mỗi khi mùa Thu đến, và tôi cũng không đau khổ khi bài Đêm Đông của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương, trổi khúc qua tiếng hát liêu trai của Bạch Yến,
Đêm Đông, 
ôi ta nhớ nhung đường về xa xa. 
Đêm Đông, 
ta mơ giấc mơ gia đình yêu thương. 
Đêm Đông, 
ta lê bước chân phong trần tha hương. 
Có ai thấu tình cô lữ đêm Đông không nhà...        
Tôi không để bốn mùa Xuân Hạ Thu Đông lung lạc lòng mình, bởi vì  triệu ngàn năm sau trước, chu kỳ thời gian vẫn miên man tái diễn.  Tôi sẽ không trách trời mưa nắng, nóng lạnh vì ánh sáng trời ban cho đời, hơi ấm người ban cho người đều có mục đích của nó.  Tôi sẽ làm điều mình thích, và trong im lặng tột cùng, trong đáy sâu tâm hồn tôi sẽ tìm được hạnh phúc để sống và để cống hiến cho đời những gì còn sót lại đời mình... Và tôi hạnh phúc ăn miếng cơm cháy, vì có người thèm mà không có khi nghĩ đến bạn tôi, đồng đội tôi trong cảnh tù đày.  Tôi hạnh phúc vì còn sức để nghiền cơm cháy như nghiền ngẫm sự đời vì dầu sao tôi cũng chưa đến ngớ ngẩn.  Để tôi nhớ lại kỷ niệm giữa tôi và anh "Tư Chẩy" ở quê xưa thật thơ mộng bình an dù anh đã chết từ lâu.  Và, nếu không có anh chắc gì tôi có thể say sưa viết về Miếng Cơm Cháy như tôi đã viết hôm nay qua lăng kính đời mình.  
 
Phạm Văn Hòa