PSSC2017    PSSC2016    PSSC2015

User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
moithachdoi
Di Ảnh Ông Nội Tôi
 
Câu Đối, một thú vui tao nhã, nhất là mỗi khi tết đến, giới văn nhân thi sĩ rộn ràng với những câu đối mừng xuân. Còn gì thích thú hơn khi ngắm nghía câu đối mình làm ra, đúng là vui xiết bao. Nhưng cũng có một hình thức đối không kém phần kỳ thú, xin thưa đó là Mời Đối hay Thách Đối.
 
Theo quan điểm cá nhân, tôi thích sử dụng từ Mời Đối, nó có vẻ thân mật thiên về tình. Còn Thách Đối có tính tranh đua nặng về danh.
 
A/ Mời Đối
 
1/    
 
Nhìn tết này. Nhớ tết qua . Kỷ Mão đi. Mão vốn Mèo. Mèo mua mão.
Tiễn năm cũ. Mừng năm mới. Nhâm Dần đến. Dần là cọp. Cọp tiến dần.
 
Cảm xúc khi viết Câu Đối ở trên xuất hiện khi xem mấy câu đối Tết, và nhớ đến Ông Nội, người đã gieo mầm yêu thích thơ ca trong tôi.
 
Ông Nội tôi tuổi con mèo (Kỷ Mão), còn một năm nữa mới đến năm mèo, nhưng vì hứng thú, nên làm trước câu đối để chuẩn bị sang năm mừng tuổi Ông, đồng thời vui xuân luôn
 
Nhưng suy nghĩ lại, thấy "Mèo mua mão" có 3 nghĩa: là chi thứ tư ,"mua mão" mua trọn hết, nghĩa thứ ba là cái nón.
 
Trong khi vế dưới chỉ có hai nghĩa: dần là chi thứ ba, "tiến dần" là tiến lần lần tới, vẫn còn thiếu một nghĩa nữa! Như vậy chưa Chỉnh Đối, nên tôi đổi lại, lấy vế dưới làm vế trên, đồng thời sửa lại thích hợp cho cả năm tới, để kỷ niệm năm tuổi của Nội:
 
Tiễn năm cũ. Mừng năm mới. Nhâm Dần đến. Dần là cọp. Cọp tiến dần.
 
Nhìn tết này. Nhớ tết qua . Quý Mão về. Mão vốn Mèo. Mèo mua mão.
 
Như thế Vế Đối sẽ chỉnh hơn. Thấy câu đối cũng khá lý thú, tôi liền lấy vế trên để mời Thân hữu, Nhà thơ đối cho vui, và hy vọng có vài Vế Đối hay:
Tiễn năm cũ. Mừng năm mới. Nhâm Dần đến. Dần là cọp. Cọp tiến dần.
 
Đến hôm nay, tôi đã nhận được khá nhiều Vế Đối, từ trong và nhất là ở Hải Ngoại. Xin chỉ nêu ra dưới đây là 3 trong số những Email nhận được:
 
Đối:  (2) Vui Tết xưa, nhớ Tết này, Mậu Tý về, Tí tức chuột, Chuột lui tí.   HDB
 
Đối: Mừng xuân xưa, chúc xuân nay, Quí Mão sang, Mão là Mèo, Mèo ăn Cọp.   NTV
 
Đối: Đón Xuân nay. Nhớ Tết Xưa. Bính Thân về. Khỉ như Thân. Thân Liếng Khỉ. Songthy
...................
tôi rất vui và thích thú với nhận xét của nhà thơ NTV:
 
"Vế ra cố tình viết chữ Dần để làm khó người đối. Vì chỉ còn chữ Mão.. Mèo ăn Mão thì vô nghĩa) Hay có thể đổi thành Mèo đội Mão.. thì đúng về chữ nhưng mão là danh từ mà Dần ở đây lại không… Phải là danh từ !!!"
 
Làm sao diễn tả sự xúc động của tôi khi nhận về những Vế Đối từ các nơi.
 
Xin cám ơn, chân thành cám ơn những Nhà Thơ, Thân Hữu đã mang đến cho tôi một nguồn vui khôn xiết trong mùa Xuân Nhâm Dần này.
 
2/
 
Có lần cô em Kim Oanh email cho tôi 2 câu đối (không biết tác giả, xuất xứ) do anh Thanh Bình gởi và Em nói tôi đối cho vui mấy ngày Tết:
 
-  Vế Ra:                        Trà Lũ uống trà nhìn lũ lụt
 
-  Vế này tôi đối lại          Củ Chi ăn củ đến chi lưu
 
Vế Ra lấy địa danh Trà Lũ của tỉnh Nam Định, Vế Đối của tôi lấy Củ Chi thuộc TP Hồ chí Minh để đối lại. 
 
 -  Vế Ra                        Người Nhái bơi Ếch vào bắt Cóc
 
 -  Vế này tôi đối lại     Lính Đường đánh Tùy thích ănNgô.
 
Vế Ra sử dụng các con thuộc họ Ếch bộ lưỡng cư, 
 
Vế Đối tôi sử dụng tên các triều đại bên Tàu.
 
B- Thách Đối
 
Trong nhân gian cũng có những câu chuyện thú vị về thách đối.      
 
1/ 
 
Có một chàng người Hoa sang nước ta bán bánh, nhìn thấy nhan sắc của bà Hồ Xuân Hương, anh liền trêu ghẹo. Thấy vậy Bà ra một câu thách anh người Hoa đối:
 
Vế ra: 
 
Chân đi hài Hán - tay bán bánh Đường - miệng hát líu Lương - ngây Ngô ngây ngố  
 
Câu này có tên 4 triều đại Trung Quốc là: Hán, Đường, Lương, Ngô, khiến chàng ta ngẩn tò te và chuồn thẳng.
 
Thật thích thú, tôi cũng mài mò đối như sau:
 
Mình mặc áo Hồng - Nhà trống thôn Mạc - Lời khoát muôn Triệu - láy Lý láy lèo.
 
Huỳnh Hữu Đức
 
Tôi cũng dùng 4 triều đại  Hồng Bàng, Triệu, Mạc và Lý của Việt Nam ta để đối lại. 
 
2/
 
Nghe danh bà Đoàn Thị Điểm, bốn chàng được mệnh danh Tứ Hổ gồm Vũ Diệm, Nguyễn Bá Lân, Nhữ Đình Hiền cùng Nguyễn Công Thái, là danh sĩ Hà Nội bấy giờ, cùng đến thử tài Bà. Bà ra câu đối:
 
Đình tiền thiếu nữ khuyến tân lang
(Trước sân, thiếu nữ mời trầu cau). 
 
Tân lang ý nói về trầu cau theo truyện sự tích trầu cau, lại đồng âm Hán Việt với tân lang là chàng rể mới. Tràng An Tứ Hổ nghe xong, không nghĩ ra Vế đối lại, đành bẽn lẽn ra về.
 
Với vế ra này, tôi cũng đối như sau:
 
Thư nội tiểu sinh tầm hậu nghệ
Huỳnh Hữu Đức
 
Trong sách cậu học trò tìm lấy nghề cho sau này. Hậu Nghệ cũng là tên chồng Hằng Nga
 
3/
 
Da  trắng vỗ  bì  bạch 
                 
Đây là Vế Ra của bà Đoàn Thị Điểm thách đối với Trạng Quỳnh. Nhưng mãi đến nay vẫn chưa có câu nào Chỉnh Đối cả. Vì Sao?
 
a- Vế Ra của bà Đoàn Thị Điểm là Câu đối thơ luật Đường 5 chữ. Do đó vế đối phải tôn trọng luật Thanh:
 
Da trắng vỗ bì bạch
t         b   B   T
 
Vế đối phải là:
b    B     t    T   B
 
Nhìn lại các Vế Đối, Chúng ta thấy hầu hết đều không đáp ứng Luật Bằng Trắc trong Đối Thơ.
 
b- "Bì Bạch" theo nghĩa Nôm là một từ tượng thanh mô tả tiếng kêu khi bàn tay vỗ vào da thịt lúc nước đang chảy trên thân người.
 
"Bì Bạch" ở đây còn là tượng hình (da trắng). 
c- "Bì Bạch" còn là từ láy.
 
Nhìn chung, các Vế Đối hầu hết đều thiếu một hoặc đôi điều kiện, có được điều này thì thiếu mất điều kia. Vì vậy, tính đến ngày hôm nay, Vế Ra của Bà vẫn chưa có ai đối được vì những lý do như vừa nêu.
 
Tôi cũng mạo muội ra Vế Đối.  
 
-   Vế Ra:       Da  trắng vỗ   bì   bạch
Bà Đoàn Thị Điểm
 
- Vế Đối:     Tánh lành yêu tính tang 
Huỳnh Hữu Đức
 
Tính (性) có nghĩa là tánh. Tang (臧) có nghĩa là tốt lành
 
Sau đó tôi làm thêm một Vế Đối nữa:
 
-   Vế Ra:       Da  trắng  vỗ   bì   bạch
Bà Đoàn Thị Điểm
 
-   Vế Đối:     Chuột  tơ  kêu  tí   ti
Huỳnh Hữu Đức
 
Tí, (子) là chuột.  Ti (絲) là Tơ: sợi tơ, cũng có nghĩa nhỏ. 
 
Mỗi trò chơi đều có nét vui riêng, ở mỗi người cũng có sở thích riêng, nhưng khi Xuân về, những người thích thơ ca như chúng ta, làm sao tránh quọt quẹt vài ba câu đối, tôi cũng thế. Rất mong quý Thân Hữu, Bạn Thơ cho biết nhận xét và góp ý những sai sót nếu có.
 
Huỳnh Hữu Đức
 
 
***********
Bài đọc thêm cùng một tác giả
 
Phiếm Về Câu Đối "Da trắng Vỗ Bì Bạch"
 

datrangvobibachhhd

Đã 3 thế kỷ trôi qua, đến nay vẫn còn nóng hổi về một Câu Đối. Đó là vế Ra của Bà Đoàn Thị Điểm. Theo giai thoại của dân gian, khi bà đang tắm, trạng Quỳnh đòi vào tắm chung, nhưng bà không chịu, Trạng nhà ta cứ kì kèo mãi. Túng thế Bà mới thách đối, Trạng đồng ý. Sẵn đang tắm, nước chảy trên thân, Bà liền vỗ vào và cất tiếng:
 
- "Da trắng vỗ bì bạch".
 
Trạng nhà ta đứng ngơ ngẩn một lúc rồi đành bỏ cuộc, vì vế ra quá hiểm hóc. Và như thế, kể từ đó, thi nhân văn sĩ trong nước không ngừng tìm cho ra vế đối với câu"Da trắng vỗ bì bạch".
 
Đến mãi tận hôm nay, khoảng 300 năm đăng đẳng, đã có hàng mấy mươi câu (có thể lên đến hàng trăm) đã được các nhà Thơ, Văn đối lại:
 
Trời xanh màu thiên thanh (tương truyền là của Trạng Quỳnh sau đó mới nghĩ ra)
Rừng sâu mưa lâm thâm (Nguyễn Tài Cẩn)
Quạ vàng đội kim ô (không rõ)
Tay tơ sờ tí ti (không rõ)
Nhà vàng ngồi đường hoàng (không rõ)
Áo vàng mặc trang hoàng (không rõ)
Đêm đen sờ dạ thâm (không rõ)
Đêm đen nhìn tối thui (chưa biết)
Mây đen quyện ô vân (Phạm Tuyên)
Gấu vàng ăn Hùng Hoàng (chưa rõ)
Tóc xanh thấy phát thương (chưa rõ)
Béo phù thở phì phò (Lê Anh Chí)
Áo xanh lay lục phục (Lê Anh Chí)
Quần áo vung phùng phục (Lê Anh Chí)
Đá chàm sờ lam nham (Lê Anh Chí)
Suối đỏ khoan thông hồng (khuyết danh)
Biển Tây có Hải Âu (khuyết danh)
Lên núi gặp thượng sơn (khuyết danh)
Bắp vàng đợi ngô huỳnh (khuyết danh)
Mực đen dính mặc huyền (khuyết danh)
Giấy đỏ viết chu da (khuyết danh)
Sen xấu mọc liên tục (khuyết danh)
Bẩy xanh la thất thanh (khuyết danh)
Lưỡi đỏ ngó thiệt hồng (khuyết danh)
Mũi thấp hun tị ti (khuyết danh)
Giếng nhỏ bé tỉnh tinh (khuyết danh)
....
Và mới đây tôi được biết thêm câu:
- Vợ buồn than thê thảm (khuyết danh, nghe đâu câu này xuất hiện năm 1963)
Vợ lành kêu thê lương (Trần Xuân Dũng)
 
Có một số người cho rằng chỉ có vế đối " Rừng sâu mưa lâm thâm" là Chỉnh thôi, vì "lâm thâm" có nghĩa là rừng sâu, tương hình và "lâm thâm" còn là tiếng mưa rơi nên có cả tượng thanh. Tuy nhiên câu đối này đã bị Học giả An Chi (Võ Thiện Hoa) bát bỏ vì đối sai tự loại (mưa không thể đối với vỗ")...
 
Ngoài ra câu đối này còn sai Luật Thanh trong Đối Thơ.
 
Vế đối nhiều thế đấy, nhưng không có vế nào đối chỉnh cả. Tại Sao? Để giải thích lý do, chúng ta phải tìm hiểu vế ra "Da trắng vỗ bì bạch".
 
1- Vế Ra của bà Đoàn Thị Điểm là Câu đối thơ luật Đường 5 chữ. Do đó vế đối phải tôn trọng luật Thanh:
 
 Da trắng vỗ bì bạch
 t         b   B   T
 
 Vế đối phải là:
 b    B     t    T   B
 
Nhìn lại các Vế Đối, Chúng ta thấy hầu hết đều không đáp ứng Luật Bằng Trắc trong Đối Thơ.
 
2- "Bì Bạch" theo nghĩa Nôm là một từ tượng thanh mô tả tiếng kêu khi bàn tay vỗ vào da thịt lúc nước đang chảy trên thân người.
 
 "Bì Bạch" ở đây còn là tượng hình (da trắng).
 
3- "Bì Bạch" còn là từ láy.
 
Như vậy Vế ra của bà Đoàn Thị Điểm gồm cả tượng hình và tượng thanh , trong khi đa số các vế đối đều sử dụng hoặc tượng hình hoặc tượng thanh mà thôi, dù có cùng tự loại.
 
Nhìn chung, các vế đối hầu hết đều thiếu một hoặc vài điều kiện, có được điều này thì thiếu mất điều kia. Vì vậy, tính đến ngày hôm nay, Vế Ra của Bà vẫn chưa có ai đối được vì những lý do như vừa nêu.
 
Trên đây chỉ là một vài ý cá nhân. Hy vọng Trang Nhà sẽ nhận thêm những ý kiến khác về Vế Ra của bà Đoàn Thị Điểm.
 
 
Huỳnh Hữu Đức