PSSC2017    PSSC2016    PSSC2015

User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

 

     Ước mơ một chuyến Âu du cuối cùng cũng thực hiện được. Cuối tháng 6 -2014, khi vừa được nghỉ học kỳ 2, cả gia đình lục tục kéo valy ra phi trường Melbourne, từ giã mùa đông xứ Úc để mong hưởng những tia nắng ấm của mùa hè Âu châu mà trạm dừng chân đầu tiên sẽ là Kinh đô ánh sáng Paris. Tuyệt hơn nữa là các con sắp xếp để đi cùng đã làm giảm bớt những lo toan cho một người vốn dĩ hơi “ấm ớ” trong việc di chuyển và tìm nơi chốn.

     8 giờ bay từ Melbourne để đến trạm chuyển tiếp ở Malaysia và thêm 9 giờ chờ đợi cho chuyến bay kế tiếp đã không làm chúng tôi cảm thấy mỏi mệt vì đây là cơ hội  để thăm thú thêm một quốc gia nữa. Đón xe lửa từ phi trường Kuala Lumpur để ra dạo phố Mã Lai là một trải nghiệm khá thích thú. Con đường từ phi trường đến trung tâm thành phố trải đều màu xanh tươi mát của cây cối mang nét quen thuộc của nước Việt chúng ta hay đúng hơn là hình ảnh của miền Tây xứ Việt. Những hàng dừa, những cây chuối, xa xa là những luống bắp đang trổ hoa làm lòng người xa xứ bỗng dậy lên nỗi nhớ…

      Thành phố Mã Lai cũng không khác chi với cảnh bận rộn, hối hả bên nhà, người dân thủ đô vẫn mang nặng nét khắc khổ, khó khăn dường như là truyền thống. Vỉa hè đầy người bán dạo, kẻ qua người lại, có được bao nhiêu người dừng lại ghé mua?. Nói thách vẫn là “chuyện thường ngày ở huyện”, thế nên lũ con cảm thấy thú vị khi được trả giá. Chẳng biết có bị hớ hay chăng khi các cháu tính nhẩm sang tiền Úc rồi cứ thế mà hạ bớt dần… Mà cần chi, cứ nhìn nét mặt hớn hở của kẻ bán người mua thì cũng vui rồi! Loanh quanh phố xá mãi thì bao tử cũng mệt, thế là lần bước vào food court gần đó. Cách trang trí, bày bán cũng giống như các sạp hàng bán thức ăn trong chợ Bến Thành nhưng nhỏ hơn nhiều và không phong phú bằng. Món ăn không hạp khẩu vị vì ngọt ngọt, lợ lợ không đậm đà như cách nêm nếm của người mình, nhưng rồi cũng xong.

     Trở lại phi trường KL, chờ thủ tục để lên máy bay… Sau hơn 13 tiếng bay, tiếng loa thông báo sắp sửa hạ cánh phi trường Charle De Gaulle, Pháp quốc… mọi mệt mỏi dật dờ của chuyến bay dài tiếng bỗng dưng nhẹ hẳn, cả mẹ lẫn con dí mắt xuyên qua làn kính phi cơ để xem chiếc máy bay chạy dài trên phi đạo… Ôi Paris! vậy là ta sắp được tận mục sở thị rồi đây! Cô bạn của mấy chục năm về trước ở trại tỵ nạn Galang, choàng tay ôm chào đón… tíu tít chụp hình, tíu tít “Bonjour, vous allez bien?” “Merci…” rồi được lên xe về nhà bạn.

      Một buổi barbeque thật ngon và chứng kiến cách tiếp đãi thân mật, vui vẻ của đại gia đình cô bạn làm chúng tôi không khách sáo chi được nữa… Khi bao tử đã đổ đầy năng lượng, còn chần chờ chi mà không bước vào chiêm ngưỡng  thành phố mỹ lệ từng được ca tụng rất nhiều trên sách báo, phim ảnh…

     Xe bon bon trên đường từ ngoại ô Paris vào thành phố, có lẽ chiều Chủ nhật nên vắng bóng xe cộ. Dọc đường hình ảnh quen thuộc của xứ Pháp mà đã từng xem qua tranh ảnh lần lượt truyền vào mắt du khách: mái nhà nhọn, nhiều cửa sổ và nhà nào cũng có vườn hoa trước nhà và những bồn hoa trước cửa sổ hoa nở rực rỡ đủ màu, cả những cột đèn cũng trang hoàng như thế, nhìn thấy nhẹ nhàng và ấm cúng làm sao.

      Phố xá Paris chiều Chủ nhật cũng không tấp nập là mấy nhưng tìm được chỗ đậu xe ở thành phố coi bộ không dễ dàng gì. À, có một chỗ đây rồi, cô bạn tấp xe vào ngay, mấy người lái xe quen tay ở xứ down under đều la lớn cản ngăn khi thấy cô bạn chủ xe cố tình len vào chỗ đậu nhỏ xíu này, bạn tỉnh bơ “Lo gì, cứ đẩy xe phía trước lên 1 tí, ủn xe sau lùi 1 tí là ổn thôi”, tưởng nói chơi, ai ngờ cô bạn làm thiệt. Cả đám xanh mặt “Không sợ chủ xe kiện làm trầy xe họ sao?”, nhún vai, cô bạn trả lời “Ai cũng thế mà, chẳng người nào bận tâm đến vết trầy trụa đó đâu, nếu không, làm sao tìm được chỗ đậu xe ở Paris?”. Chúng tôi bước xuống xe, quan sát hàng loạt xe đậu dọc đường. Trời ạ, hầu hết các xe đều có vết trầy móp ở đầu và cuối xe. Người lái xe ở Paris siêu đẳng thật!

      Các thắng cảnh nổi tiếng nơi này chỉ cần gõ google thì sẽ có đầy đủ hình ảnh và thông tin, nên chỉ ghi ra những cảm nhận chủ quan và giới hạn của bản thân qua vài nơi chốn được dịp thăm viếng. Dinh thự, căn phố mang kiến trúc cổ xưa thời thế kỷ 18, 19; người dân ung dung ngồi những quán café bên vỉa hè, với rượu bia và đồ nhắm chăm chú theo dõi cảnh đá banh World Cup với những tràng cổ võ hoặc tiếc rẻ được màn ảnh tivi trong tiệm phát hình. Có hiện diện nơi này trong những tuần lễ World Cup mới thấy tinh thần thể thao, chuộng môn đá banh của dân Âu châu cao cực độ, nhất là đội tuyển Pháp đang đấu trên sân. Ly cốc dọn ra cho thực khách toàn là loại để đựng rượu, dù là gọi ly nước lạnh, có lẽ chỉ “dân miệt dưới” chúng tôi mới uống nước ngọt ở các tiệm ăn bên Pháp chăng?

     Giòng sông Seine lặng lờ chảy, nước không trong xanh, cảnh vật bên đường như thiếu bóng mát của những hàng cây, thiếu những cặp tình nhân tay đan tay đi dạo nên con sông bỗng như cô độc, không  tràn trề sức sống, hay đó chỉ là tâm trạng của riêng tôi?. Chỉ còn cảnh du khách chờ đợi lên xuống tàu ở bến cảng để được ngồi trên boong, nhấm nháp tí rượu chờ cảnh hoàng hôn buông xuống… là có chút nhẹ nhàng, lãng mạn và sinh khí… nhưng sao lòng vẫn có một chút bâng khuâng…?

    Nhà thờ Notre Dame uy nghi sừng sững giữa thành phố, lòng chợt nhớ đến truyện “Thằng gù nhà thờ Đức Bà” của Victor Hugo, lối kiến trúc cổ với những chạm trổ tinh vi, lớn và bề thế hơn nhà thờ Đức Bà ở Sài gòn nhiều lắm. Bước lần vào thánh đường, trong giờ lễ, người đi lễ cứ việc tham dự những nghi thức, du khách đi quanh theo lối dành riêng cứ việc chiêm ngưỡng nét đẹp của ngôi thánh đường, dù được giữ trong yên lặng nhưng sao tôi vẫn không thích mấy, khi trong giờ cử hành Thánh Lễ vẫn có người bàng quan nhìn ngắm. Khó khăn chăng hay chỉ là đã quen với nghi thức nguyện đường, nên lòng không có những cảm xúc khi cầu nguyện?

     Khải Hoàn Môn (Arc de Triomphe) là một biểu tượng lịch sử nổi tiếng được Napoléon cho xây dựng vào đầu thế kỷ 19 để vinh danh quân đội. Đứng xếp hàng dài hơn 2 tiếng đồng hồ mới bước lên những bậc thang hình xoắn ốc để có thể đứng trên thành nhìn được toàn bộ quang cảnh phía dưới. Không đếm được bao nhiêu bậc thang nhưng phải ngừng lại để nghỉ đến 3 lần, tôi mới thật sự bước chân lên thành của Khải Hoàn Môn, nhìn quang cảnh phía dưới mới thấy rõ Khải Hoàn Môn như là nhụy hoa và các đại lộ của trung tâm thành phố Paris là những cánh hoa từ nhụy vươn ra mọi hướng!  

      Đại lộ Champs- Elysées, một con đường dài có trồng cây hai bên để đi dạo, dọc hai bên đường là những cửa hàng với những thương hiệu nổi tiếng thế giới và giá cả chắc chỉ có giới thượng lưu mới có thể mua sắm, đây cũng là nơi tổ chức những lễ hội, chào đón năm mới và là điểm thu hút các du khách. Nghe nói mỗi năm sẽ có hai lần: ngày10 tháng 5 và 1 tháng 8 đứng từ phía cuối của đại lộ sẽ nhìn thấy mặt trời lặn qua Khải Hoàn Môn được vài phút. Tiếc là tôi rời khỏi Paris trước ngày đó nên không biết cảnh mặt trời lặn ở nơi đó có đẹp hơn cảnh hoàng hôn trên biển không.

     Viện Bảo tàng Louvre to lớn với nhiều tầng lầu, một nơi trưng bày hàng ngàn tác phẩm của các họa sĩ tài danh, trong đó có bức tranh nữ thần sắc đẹp Venus và Mona Lisa nổi tiếng khắp thế giới và các pho tượng được chạm khắc tinh vi của các nghệ nhân qua các thời đại, nhưng vì không có con mắt mỹ thuật nên chỉ thăm sơ qua mà lẽ ra dù là có đi cả ngày cũng chưa chắc có đủ giờ để thưởng lãm hết các tác phẩm lừng danh này.

    Tháp Eiffel có lẽ đẹp tráng lệ hơn về đêm, khi đèn được bật lên, ánh sáng rực rỡ tỏa ra làm lòng người như ấm lại. Đứng ở tầng ba, nhìn xuống, Paris quả là kinh đô của ánh sáng. Chỉ có thể thốt lên một chữ  “Đẹp” chứ không biết diễn tả thế nào cho đúng cảnh Eiffel  by night! Vườn Luxembourg sẽ đẹp biết bao nhiêu nếu như cảm thấy an toàn khi đi dạo cảnh xem hoa. Những người “pickpocket” đã dùng nhiều cách để lừa du khách, gia đình chúng tôi may mắn tránh được, một nhóm vài ba người ăn mặc tử tế tươi cười tiến lại đưa tấm giấy mời ký tên để tặng tiền cho hội từ thiện, hay một người hăng hái tới bắt tay chào hỏi, và tay kia luồn ngay vào túi quần mình, hoặc xịt một loại nước lên đầu mình và tiến lại giả vờ giúp đỡ chùi giúp… Tiếc làm sao!!!

      Cung điện Versailles là một công trình vĩ đại và lộng lẫy của nền nghệ thuật tinh hoa Pháp thế kỷ 17-18. Nhìn những căn phòng chạm trổ công phu trong cung điện, một khu vườn rộng mênh mông không tưởng tượng nỗi, tự nhủ không biết bao nhiêu mồ hôi, máu và  nước mắt của người dân đổ xuống để phục vụ cho cuộc sống xa hoa của vua chúa thời đó? Hiện nay là di sản của thế giới, vườn thượng uyển này được chăm sóc kỹ lưỡng với từng khu khác biệt, có nơi là cả rừng hoa đủ loại, có nơi là hàng cây xanh rợp lá, hồ nước, suối phun… thật là nơi lý tưởng  cho mọi người  thoải mái hưởng bầu không khí thiên nhiên thật hiếm hoi nơi những đô thị tân tiến.

     Nhà thờ Đức Mẹ Lộ Đức, Lourdre nằm ở phía tây nam nước Pháp là nơi thu hút nhiều người mộ đạo tới hành hương. Nước suối nơi hang động mà Đức Mẹ hiện ra cách đây gần 150 năm, đã được người hành hương tin tưởng đến hứng đem về để chữa bệnh. Có người đem cả những thùng chứa 5, 10 lít để đựng. Ngôi thánh đường được xây dựng bên trên hang động sau khi Đức Mẹ hiện ra thật to lớn để có thể chứa cả hàng người đến tham dự Thánh lễ hàng ngày. Có đến nơi đây, mới thấy tinh thần mộ đạo của giáo dân rất sùng kính. Thức dậy lúc 5 giờ sáng, trời vẫn còn lờ mờ, vậy mà vẫn có một số người kẻ ngồi, người quỳ nơi hang động thầm thì đọc kinh, cầu nguyện. Thánh lễ buổi chiều đông đúc không thể tả được với giáo dân khắp nơi tụ tập về và cả trăm Linh mục cùng cử hành đồng tế Thánh lễ. So với nhà thờ Notre Dame, thì nơi này gây nhiều cảm xúc nơi tôi, đức tin của người hành hương cũng lan qua mình một cách tự nhiên đến thành kính. Thành phố sau giờ tan lễ, lũ lượt các Linh mục, các Sơ thuộc đủ dòng tu xen lẫn với khách hành hương trên đường phố… sao thấy an bình và đạo đức quá!

Rời Pháp, chúng tôi bay qua Venice, một thành phố du lịch của Ý. Thành phố nằm trên nước, kinh rạch chằng chịt. Từ phi trường đón xe bus về thành phố, tôi nhìn chữ “water bus” nơi đứng đợi, lòng ngờ ngợ, thì ra đúng vậy, đó là chiếc tàu cũng có những hàng ghế ngồi như xe bus nhưng phom phom rẽ sóng lướt đi và cũng có những trạm ngừng để đổ hoặc đón khách, khác với “water taxi” cũng là thuyền chở khách nhưng đi một lèo đến nơi cần đến, nhanh hơn nhưng giá cả cũng đắt hơn nhiều! Thành phố Venice đẹp theo dạng “sông nước, thuyền bè”, những chỗ đi bộ thì toàn là những cây cầu bắc ngang và và những bậc tam cấp. Di chuyển trên đường phố và nhất là dò tìm địa chỉ là một việc làm nhiêu khê cho du khách, nhất là tay xách nách mang, hoặc kéo valy nặng trĩu vì nơi nào cũng có bậc tam cấp, nơi chỉ có vài ba bậc, nơi dài hơn vài chục bậc, lồi lõm, nên cứ phải khiêng lên, hạ xuống hành lý đến mệt nhoài. Thêm vào đó đường phố không hẳn là đường phố theo suy nghĩ thông thường, mà là như những con hẻm nhỏ, có khi chỉ một người qua lọt. Thế nên dù cầm bản đồ trên tay dò tìm, không ít  lần sẽ đi lạc, còn nếu chỉ nhắm hướng mà đi thì e rằng sẽ lâm vào “mê hồn trận” thôi!

Đi thuyền Gondola dập dềnh trên những kinh đào ở Venice rất nên thơ, lãng mạn và thú vị nếu như không nghĩ đến giá cả của một chuyến đi khoảng 40 phút mà gần 100 Euros. Thấy tôi ngần ngại, đám con thuyết phục “Yolo mẹ ơi!” (yolo = you only live once) rồi dịch sang tiếng Việt “ccsml” (chỉ sống có một lần). Bật cười với lời dịch lém lỉnh của cậu con trai, thôi thì “ừ!” cho rồi! Từ đó ccsml được sử dụng để nhắc nhở với bà mẹ mỗi khi có thái độ ngần ngừ, muốn thụt lui và tràng cười giòn giã chọc quê của chúng!

      Tuy thành phố chằng chịt sông đào kinh rạch, nhưng những cửa hàng nhỏ, những quán ăn trong các ngõ nhỏ hẹp sẽ thu hút du khách vì những nét lạ, ngộ nghĩnh hay giản dị của nó, nhất là những món seafoods tươi rói... Hai ngày ở đây, nhưng chưa có dịp thăm phố xá ban đêm vì cứ chiều sập xuống thì mây đen vần vũ cả bầu trời và mưa bắt đầu rơi, thế là đành bó gối nhìn qua cửa sổ con rạch lấp loáng ánh điện của căn nhà đối diện để suy nghĩ, để mơ mộng…

     Điều làm tôi suy nghĩ khi ở nơi này là những người già cả, bệnh hoạn và người phải ngồi xe lăn phải sống ra sao khi đường phố không hề có lối đi dành cho họ? Phải chăng họ phải di chuyển đến sinh sống tại một nơi khác, không biết có đúng không vì tôi chưa hề thấy họ trong hai ngày cư ngụ nơi này. Còn mơ mộng? Ôi, biết bao là chuyện….

              Từ giã Venice, chúng tôi đón xe lửa đến Rome để thăm Toà thánh Vatican. Quảng trường và Nhà thờ Thánh Phê Rô là một công trình kiến trúc vĩ đại, khó diễn tả nếu như không tận mắt chiêm ngưỡng. Khu vực dưới bàn thờ của nhà thờ là phần mộ thánh Phê Rô là vị Giáo Hoàng đầu tiên của toà thánh Vatican. Cũng giống như nhà thờ Notre Dame bên Pháp, du khách có thể ra vào nhà thờ xem và chụp hình, nhưng có những nơi chốn được ngăn lại, yêu cầu chỉ dành cho những ai dự Thánh lễ hoặc vào cầu nguyện mà thôi và không được phép chụp hình, quay phim… Cho nên sự tập trung, không bị chia trí để giáo dân dâng lời cầu nguyện được tôn trọng tối đa. Lời ca và kinh bằng tiếng Latin làm tôi gợi nhớ đến thời còn nhỏ, thập niên 60, các Linh mục Việt Nam cũng đọc hoặc ca những lời kinh quen thuộc này trong các Thánh lễ ở nhà thờ ngày Chủ nhật mà bây giờ khi tham dự Thánh lễ ở Úc hiếm khi nghe lại ngoại trừ những ngày lễ trọng. Chúng tôi cũng được xuống xem một số mộ của các Giáo Hoàng được an táng nơi đây, mỗi phần mộ là một kiến trúc riêng nhưng không cầu kỳ, đa số giản dị…

     Viện Bảo tàng nơi đây tuy nhỏ hơn Viện Bảo tàng Louvre ở Pháp nhiều, nhưng không hiểu sao lại thu hút tôi hơn, những họa phẩm, những pho tượng như toát lên sức sống và có lẽ do cách trưng bày gọn gàng, hợp mắt tôi nên nhìn ngắm hoài mà không chán!  

  

Đón xe lửa là phương tiện di chuyển công cộng thuận tiện và rẻ tiền ở Âu châu nhưng ở Rome tôi mới biết được thế nào là “cá hộp” trong giờ cao điểm. Eo ơi, người ép người không còn chỗ thở chứ đừng nói chi đến cựa quậy, thế mà không hiểu sao các vị “pickpocket” hành nghề được nhỉ? Cho nên dù ngộp thở, tay vẫn cứ khư khư giữ chặt túi xách, bóp tiền, chỉ thở phào khi đến trạm xuống mà mình vẫn “an toàn”!

     Amsterdam, thủ đô xứ hoa Tulip Hòa Lan, nên ngay tại phi trường những chậu hoa Tulip to lớn đủ màu như rạng rỡ đón chào du khách (dù chỉ là hoa giả), tuy nhiên có nhiều cửa hàng trong phi trường bày bán hoa tươi đủ loại, đủ màu làm lòng người cũng thấy lâng lâng. Đặc biệt người dân di chuyển bằng xe đạp, nhiều đến nỗi những bãi đậu xe trong thành phố chỉ dành cho xe đạp, còn xe hơi, cứ tự nhiên lái đi nơi xa tìm chỗ đậu rồi lội bộ vào thành phố nhé!

Nơi đây cối xay gió là một trong những biểu tượng của Hòa Lan , chúng tôi được dẫn đi xem một chỗ tiêu biểu và nơi này dùng cối xay gió để ép ra dầu đậu phọng. Lạ ghê! Rồi nơi sản xuất cheese với một phụ nữ, nhìn trạc 40 ngoài, trình bày cách làm cheese và lợi ích khi ăn cheese, bà hỏi du khách có thể đoán tuổi của bà không, mọi người ồ lên khi bà mỉm cười cho biết đã 84. Quả là nghệ thuật quảng cáo quá hay, tin hay không thì tùy, miễn là có hiệu quả là được rồi, vì mọi người tới tấp hỏi mua loại cheese mà đã giúp bà trẻ đến thế!.

     Hãng làm giày gỗ cũng được mọi người trầm trồ thích thú khi được cậu bé khoảng 20 tuổi sử dụng máy bào gọt gỗ để làm ra chiếc giày, người mua thì ít, nhưng thọc chân vô các đôi giày mẫu, một hình ảnh tiêu biểu khác của xứ Hòa Lan, để chụp hình thì hầu như gần hết mọi người đi tour đều làm.

Nghe nói khu đèn đỏ ở các dãy phố rất là nổi tiếng, tôi cũng tò mò đi xem thử nhưng vì mùa hè, 10 giờ tối vẫn là quá sớm cho sinh hoạt này nên chỉ thấy ở vài khung cửa sổ các “búp bê” già mặc bikini hai mảnh đứng bấm máy xem có người gọi mình không, chứ không có chi đặc biệt cả.

     Trong chuyến đi này, có một điều làm tôi cảm động là ở đây, tuy không quen biết ai, nhưng tôi đã nếm trải được tình bạn phương xa đậm đà với túi đồ “thăm nuôi” nặng trĩu của cặp uyên ương xứ Đức, dù chỉ biết nhau qua email và điện thoại. Số là qua nhiều lần liên lạc trong suốt chuyến đi của tôi, cô bạn cùng tuổi - nhưng may mắn trong hạnh phúc - quyết định “ra lệnh” cho nửa kia của mình lái xe từ Đức qua Hòa Lan để thăm chúng tôi. Gần 3 tiếng đồng hồ lái xe để gặp mặt vài tiếng ngắn ngủi, rồi lại quay về mới thấy thương bạn làm sao, lại còn khệ nệ nào bánh kẹo, nào trái cây, nào xôi…và chu đáo hơn nữa là đem một lố chai nước suối vì sợ chúng tôi uống bậy nước vòi. Những chăm sóc, dặn dò, những câu  thăm hỏi chân tình… những tưởng như quen thân từ thuở nào, ôi tình bạn ở lứa tuổi xế chiều vẫn thân thiết, nồng ấm như thời trẻ thơ, xuất phát từ tấm lòng, tiền bạc nào mua được! Chỉ biết dùng chữ cám ơn gởi đến hai bạn, tuy khách sáo nhưng biết làm sao hơn!   

     London là trạm dừng chân cuối cùng của chuyến Âu du, không hiểu vì đây là đất nước nói tiếng Anh, hay là mẫu quốc của xứ Úc mà bỗng dưng thấy thân quen và thoải mái hơn. Cung điện Buckingham Palace, Windsor Palace với nghi lễ thay đổi lính gác đầy cung cách và cầu kỳ gây thích thú cho người đến thăm. Lạ một điều “phớt tỉnh Ăng Lê” không hề biểu hiện trên gương mặt, cử chỉ của người Anh mà trái lại rất thân thiện, cởi mở, ngay cả với các “chàng”, “nàng” police!

     Phim trường “Harry Potter” cũng gây ấn tượng vui tươi ngay cả với người lớn tuổi như tôi. Thật là thích thú khi chứng kiến những xảo thuật trong phim ảnh. Cảnh cỡi chổi, lái xe bay qua biển được ghép vào trong phim thì khi đến đây chúng ta cũng sẽ có cơ hội ngồi trên chổi bay vèo vèo qua biển, hoặc lái xe uốn éo lượn quanh đại dương, và những tấm hình chụp lại sẽ là những kỷ niệm khó quên trong chuyến du lịch!

Được xem vở nhạc kịch “The Wicked” mới thấy trình độ thưởng thức của người dân xứ này, trong khi rạp hát nóng bức vì đông người mà không có máy lạnh, chúng tôi ngồi bứt rứt không yên, tay phe phẩy tấm giấy làm quạt để tìm chút làn gió mát thì nhìn quanh mọi người vẫn yên lặng chăm chú lắng xem buổi trình diễn một cách thích thú, những tràng cười nổi lên khi nghe những câu nói ý nhị hay những cử chỉ hóm hỉnh của người trình diễn, và trong màn cuối chào từ biệt, cả rạp đều đứng lên vỗ tay chào lại các nghệ sĩ. Đây là một điều lạ và làm tôi thán phục! Sự tôn trọng giữa người và người đã thể hiện rõ nét không những ở buổi trình diễn mà cả nơi công cộng. Không hiểu nhận xét này có chính xác không nhưng tôi nhận thấy trên đường phố mọi người ăn mặc, nói năng lịch sự hơn những nơi khác!

      Khép lại một vòng qua mấy nước Âu châu, có nhiều điều được thưởng ngoạn như một ân sủng, có nhiều điều để học hỏi mà không sách vở nào giúp cho được, tất nhiên có nhiều điều để vui chơi… Nhưng bên cạnh đó khá nhiều những con người ngẫu nhiên mà gặp vẫn có nhiều khó khăn, cuộc sống giữa người giàu và nghèo vẫn chênh lệch rất cao khi mức sinh hoạt quá đắt đỏ mà hệ thống an sinh xã hội hình như không giúp đuổi kịp được mức trượt giá. Đó đây vẫn có những người không nhà nằm ngủ co ro bên góc phố, người quỳ gối chắp tay ăn xin trên đường, những “pickpocket” vẫn lảng vảng quanh đâu đó… Do đó, du khách cảm thấy chưa thoải mái, chưa bình an để thưởng lãm hết những gì mình thăm viếng. Là vậy, tuy biết được mình còn may mắn hơn nhiều người nhưng sao lòng vẫn gợn lên một nỗi buồn… cái buồn lồng vào chuyến đi dài ba tuần lễ và chắc sẽ không nhanh chóng tan đi khi tôi trở về Úc với những công việc thường ngày đang chờ tôi ở đó!

Một cuộc du lịch là ba cuộc du lịch, quả không sai!  

 

Hồ Diệu Thảo