PSSC2017    PSSC2016    PSSC2015

Star InactiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive
 

.

Hôm nay là 22 Tết rồi! 

Cả xóm nhà nào nhà nấy sơn sửa, lau chùi tươm tất từ sân trước đến sân sau, các cụm hoa đã được vào chậu để ăn Tết.  Thằng Sang, bạn cùng xóm, sáng nay mặc thử đồ mới vừa được lấy về... để ăn Tết.  Nó đi vô đi ra mấy lượt cho đến khi Năm thấy thì chừng đó nó mới chịu vào thay.   Nhà nhà, anh chị em cha mẹ đều tề tựu về cho dù đi mần ăn xa.  Năm thấy chị Tư đi làm ở Sài Gòn, nhưng năm nào cũng về nhà ăn Tết, thì năm này chị Tư cũng vừa về hôm qua.  Hình như mọi người đều về nhà trước ngày 23 đưa ông Táo có như vậy mới thật sự đón Xuân.

Năm không biết làm gì hơn vì mọi việc được cắt đặt Năm đều làm đâu ra đó, nào chùi lư đồng, dọn dẹp bàn Ông Thiên, quét gián nhện, nhổ cỏ mấy luống hoa...  Giờ thì Năm lo phần của mình, lo đánh đôi giày Sandal để đem ra phơi vì hôm nay trời nắng thật đẹp.  Gió lành lạnh từ đông bắc thổi nhè nhẹ làm bớt đi sự oi bức.  Thật ra Năm không cảm thấy vui gì cả vì đang băn khoăn trong lòng, Năm cảm thấy mất mát thật nhiều và đâm ra trách cứ mấy anh chị, vì theo Năm thì không ai biết cái nỗi buồn lo của mình.  Mỗi giờ trôi qua là sự đau buồn dâng thêm trong lòng.  Như hôm qua, khi mặt trời vừa tắt thì nỗi mong chờ và hy vọng của Năm cũng theo ánh dương đi vào bóng đêm.

Rồi Năm tự an ủi thế nào ngày mai Má cũng về!

Cứ như vậy mà từ khi được bãi trường Tết đến nay ngày nào Năm cũng trông ngóng Má.  Mỗi lần có chiếc xe từ xa là Năm ngóng cổ đợi cho đến xe đi khuất qua nhà thì Năm mới trở lại công việc còn dở.  Tính đến hôm nay là cả tuần trôi qua mà Má vẫn chưa về.  Năm buồn lắm mà không dám hỏi cũng không dám nói với ai, bởi vì Năm thấy mọi người cứ bình thản như không.

Năm lo đủ thứ, không biết có phải Má giận vì Năm đã làm phật lòng bà.  Năm còn nhớ cách đây mấy tháng, khi Má về Cà Mau như mọi năm để giúp cậu Sáu, cậu Tư và bà con làm cá bà có nói với Năm trước khi đi:

-  Má nói hoài mà con không nghe lời, lần này về dưới Má ở luôn.

Bây giờ nghĩ lại Năm thấy lo lắng vô cùng.  Má giận Năm thật rồi, bởi vì mấy năm trước khoảng rằm tháng Chạp là Má đã về để lo chuẩn bị Tết nhứt.  Nghĩ đến đó, Năm như nắm phần chắc là năm nay ăn Tết sẽ không có Má.

Lỗi tại mình!

Nghĩ đến đây Năm càng thấy khó thở và cảm thấy cái gì dâng lên cổ họng, nghẹn ngào.  Năm chạy vội ra bên hông nhà ngồi thu mình trong xó chái, tự nhiên những giọt nước mắt nóng bỏng lăn dài trên má.  Năm nhớ Má thật nhiều, hôm đi Má nói, Năm tưởng Má nói chơi như trách yêu con, nhưng quả thật là Má "giận" thiệt?!

Con Mực đến nằm bên Năm gác mỏ lên bàn chân không của Năm.  Năm vuốt đầu con Mực, tự nhiên Năm thấy lòng nhẹ nhàng hơn, cái gì nghèn nghẹn nơi cổ họng cũng dần dần biến mất.

Năm tự nhủ, chắc Má không giận Năm đâu... nhưng một ý nghĩ khác làm Năm càng bàng hoàng xao xuyến hơn.  Năm không dám nghĩ tiếp bởi vì trong đầu óc non nớt của Năm mường tượng là có thể Má bị tai nạn trên đường về nhà ăn Tết chăng?!

Biết đâu! 

Thật ra trăm điều lo âu hiện ra trong đầu Năm!

Trời đã xế chiều, Năm cũng vừa đánh xong đôi giày, đem ra phơi nắng, chốc chốc Năm lại chạy ra đầu ngõ nhìn về hướng chợ.  Có nhiều khi Năm đi ra sau nhà nhìn về hướng xe từ Bạc Liêu về, cứ mỗi chuyến xe qua Năm tự an ủi là chắc Má đi trên chuyến xe đó.  Năm tự nhủ Má cũng mong về nhà lắm vì bà đã xa nhà hơn ba tháng, chắc Má cũng nhớ nhà, nhớ Năm, nhớ con Mực chớ!  Năm biết Má cũng thương con Mực lắm vì Má thường nói:

-  Con Mực còn dễ dạy hơn con, Má nói nó nghe chứ không cứng đầu cứng cổ như con!

Ngày 22 Tết trôi qua thật nhanh, mới đó mà trời đã xế chiều.  Bóng cây ngả dần và căng dài trên nền đất.  Lại một ngày nữa đi qua, một ngày nữa thất vọng vì bóng Má vẫn biền biệt, và một đêm dài nữa Năm phải trằn trọc khóc thầm vì nhớ Má.  Năm không dám biểu lộ sự nhớ thương Má cho ai biết vì sợ bị chế nhạo.  Rồi Năm nghĩ đến hoàn cảnh thằng Phước, Mẹ mất sớm chắc là nó cũng buồn lắm, như vậy là nó buồn cũng như Năm mà cố giấu đó thôi.

Bầy gà con đi ngang qua Năm để đi về chuồng khi Năm đang ngồi bó gối đợi Má.  Mấy con gà cũng không có Mẹ, bởi vì mới tuần rồi con mẹ bị bệnh "cú rũ" rồi vài ngày sau khi thăm chuồng buổi sáng, con gà mẹ nằm chết cứng.  Chính Năm đem đi quăng chỗ khác vì sợ lây cho đám gà con.  Mấy con gà mất mẹ cũng chắc buồn như Năm, vì chúng nó phải tự kiếm trùng ăn chứ không có mẹ tìm cho như trước!

Thình lình có tiếng xe thắng gắp trước nhà, có tiếng dì Tư hàng xóm:

-  Tưởng chị ở luôn dưới Cà Mau, may phước chị về kịp để mai đưa Ông Táo.

-  Má về! Má về!  Năm la lớn chạy băng ra xe ôm lấy mẹ.  Cả nhà ùa ra để đón Má, xách đồ đạc vô nhà.

-  Coi chừng, nhẹ tay kẻo bể cái hủ mắm Má để trong cái "càng xé" đó.  Má dặn dò!

Má đem về đủ thứ, toàn là đặc sản Cà Mau.  Năm lăng xăng, con Mực cũng lăng xăng.  Má vuốt đầu con Mực, rồi Má nhìn Năm nói:

-  Ở nhà bộ con đi chăn trâu sao mà đen mốc vậy.

Còn Má thì sao! Má cũng đen mun vậy! Năm thầm nghĩ.

Năm nắm tay Má sung sướng ra mặt.  Tự nhiên nỗi lo buồn tan biến thay cho tiếng pháo ngày Xuân.  Năm thấy mọi người ai cũng đáng mến đáng thương.  Trời chiều hôm nay có ánh hồng rạng rỡ, gió mát hơn hôm qua, ngọn đèn dầu bắt đầu thắp lên và cũng sáng hơn mấy hôm trước!  Má đã về trong lúc bất ngờ nhất đối với Năm, bởi vì khi trông đứng trông ngồi thì không thấy đâu, tự nhiên như bà Tiên, Má về!  Chỉ bóng dáng của Mẹ thôi cũng đủ hoá giải những rắc rối của cuộc đời, mang đến cho lòng đứa con nhỏ những cảm nghĩ ấm cúng và êm đềm nhất. 

Mẹ, Mẹ là giòng suối dịu hiền,
Là câu hát thần tiên,
là bóng mát trên cao,
là ánh đuốc đêm thâu khi lạc lối...

Thời gian qua mau, thấm thoát đã sáu năm rồi, hình như  năm nào Má cũng về Cà Mau vài tháng.  Cà Mau là quê ngoại, Năm chỉ nghe Má nói về vùng đất mà nơi đó Ông Ngoại là ông Từ của Đình, cậu Sáu, cậu Tư thì làm ruộng có nhiều đìa nuôi cá, có vườn trồng dưa, trồng rau.  Cậu Sáu thì ở Rạch Rập, gần chợ  Cà Mau hơn; còn Cậu Tư thì ở tận vùng sông Ông Đốc.

Năm nay, Năm vừa đậu Trung Học Đệ Nhất Cấp, và Má dẫn Năm về thăm quê Ngoại lần đầu.  Thật ra năm nay Năm toàn gặp chuyện hên không thôi.  Năm được đi thi ở Cần Thơ, và giờ thì được đi Cà Mau thăm quê ngoại.  Chứ từ bấy lâu nay Năm có được đi đâu đâu!  Hễ mỗi lần anh chị đi tỉnh này tỉnh nọ là Năm thấy buồn và nghĩ bụng là mình bị thiệt thòi.  Nghe Má nói Năm như mở cờ trong bụng và Má dặn dò đủ thứ trước khi đi.  Năm đã lớn và biết nhiều hơn là Má nghĩ.  Năm biết Ba Má cực khổ để nuôi anh chị và Năm ăn học, cuộc đời Ba Má chưa thấy được thong dong ngày nào.  Nhiều khi lúc ban đêm, học bài dưới ngọn đèn dầu Năm nhìn những bông lửa đỏ mà tự nhủ là phải học hành cho giỏi vì Ba Má thường nói đó là cách báo hiếu mà Ba Má hài lòng nhất.  Sự hun đúc đó là nghị lực nên nhiều khi thức thâu đêm để học bài mà không biết mệt vì Năm nghĩ không có sự cực khổ nào bằng Ba Má cực khổ lo cho con!  Dù vậy, việc học hành đỗ đạt vừa qua đối với Năm như là một bổn phận để báo hiếu;  còn việc đi ra khỏi tỉnh Sóc Trăng để lên Cần Thơ và nay được về Cà Mau nữa là điều lý thú nhất mà Năm hằng mong đợi.

Đường về Cà Mau qua Bạc Liêu, qua Hộ Phòng và các phố thị nhà cửa dọc hai bên đường đối với Năm là một khám phá mới trong đời mình.  Những phố thị này Năm đã từng học và biết địa danh qua sách vở chớ giờ mới thấy đích thực.  Những cánh đồng mút mắt, thẳng cánh cò bay, các chiếc xuồng xuôi ngược trên con kinh dọc theo đường.  Đất nước tôi thật đẹp:

Lúa đầy đồng, cá đầy sông
Dân tình ai cũng hiền trông thật hiền!

Xe đưa Má và Năm đến Cà Mau.  Con sông tại chợ nước chảy phăng phăng làm Năm lo sợ.  Năm rất ngán vì đối với Năm, sông nào cũng có chiều sâu không đáy!  Bởi vì cứ nhìn xuống nước trong những ngày trời quang mây tạnh, chỉ thấy toàn là mây trên trời in bóng, nghĩ đến đó đủ để Năm rùng mình, dởn óc vì nếu sơ sẩy dễ bị chết đuối như chơi.

-  Kìa cậu Sáu kìa.  Chào cậu đi con, Má giục.

Cậu Sáu khen Năm gì đó mà Năm cũng không để ý.  Nhưng rồi tất cả xuống xuồng để về nhà Cậu.  Chiếc xuồng len lách khỏi đám ghe ven sông, và băng qua khoảng ngã ba nước chảy cuồn cuộn.  Năm, hai tay bám chặt vào mạn ghe, thở không muốn ra hơi vì sợ.  Lúc sau xuồng qua con rạch nhỏ hơn, lướt sóng êm đềm, hai bên rạch là dừa nước, bần, lác...

-  Cảnh Quê ngoại tôi đẹp quá mà lần đầu tôi được biết!  Năm thầm nghĩ.

Cả ngày hôm đó và những hôm sau ở lại nhà cậu và gặp hàng xóm, Năm cũng được đi thăm Đình mà ông Ngoại đã từng là ông Từ lúc còn sanh tiền, trước Đình là một cây da thật to làm tăng thêm phần uy nghi nơi thờ phượng.  Chiều hôm đó, Cậu Sáu dẫn Năm đi hái dưa leo và cà chua để về xào với cua.  Cua thì Cậu bắt trên đường đi về, vì lúc từ nhà đến rẫy Cậu bỏ lờ dọc theo bờ nước.  Còn dưa và cà chua thì hái ở rẫy.  Đường xá thì không có là bao ngoại trừ  đường loanh quanh trong xóm,  ngoài ra đi đâu cũng bằng xuồng.  Con kinh trước nhà Cậu khi nước ròng thì mực nước xuống thấp thấy rõ. 

Sau khi cơm nước xong, Năm vào mùng để nói chuyện với Cậu Mợ và các em.  Ai cũng vào mùng hết, bên ngoài muỗi vo ve nghe mà sợ.  Năm còn nhớ trong lúc nói chuyện với Cậu Mợ về việc ăn học ở Sóc Trăng thì có tiếng ào ào bên ngoài như mưa gió.  Năm tò mò nhìn ra.  Cậu cho biết đó là bầy trâu về chuồng đi ở giữa sông vì nước ròng và tiếng ào ào là tiếng đàn muỗi đi theo bầy trâu!  Ở chơi với Cậu Mợ được vài hôm thì Năm theo Má về Sóc Trăng lúc đó có hai em Nhung và Bé con của Cậu Mợ Sáu đi về cùng để lên Sóc Trăng học.

 

Mấy chục năm qua, trôi nổi khắp nơi từ Nam ra Trung, từ  Đồng bằng đến Cao Nguyên, từ trong nước đến ngoài nước nhưng Năm chưa hề được dịp trở lại Cà Mau lần thứ hai.  Cho dù giờ ở xa xôi biền biệt,  Ba, Má, Cậu, Mợ và hai em Nhung, Bé đã vĩnh viễn ra đi.  Bao nhiêu đổi thay, cả đến người vợ thân yêu cũng không còn nữa.  Vật đổi sao dời nhưng lòng Năm vẫn luôn nhớ về quê mẹ Cà Mau, nơi còn lại những bà con ruột thịt, nơi có những người dân Việt hiền thật hiền.  Cà Mau, quê hương thân yêu đó làm sao ai quên được! 

Lại một năm nữa qua đi trong đời, bao nhiêu lần Xuân Hạ Thu Đông đến rồi đi! Thời gian đã biến cây non ngày nào thành cây cổ thụ.  Dấu vết thời gian đã hằn sâu trong lòng, trên thân thể, trong ánh mắt, tiếng nói, giọng cười...  Nhưng thời gian không thể xóa nhòa kỷ niệm đã tích lũy trong khối óc nhỏ bé kia, không thể làm vơi đi tình yêu thương vẫn còn dạt dào trong quả tim của "Thằng Năm", "Cậu Năm", "Ông Năm"... nhất là vào mỗi độ Xuân về!        

   

Phạm Văn Hoà