PSSC2017    PSSC2016    PSSC2015

Vào ngày này năm trước tôi có viết "Ngày Này Mỗi Năm"... Đó là lần đầu tiên tôi viết về mình, và... năm nay vẫn thế. Ở xã hội này viết về mình là chuyện thường, chứ ở Việt Nam ta khi xưa "Cái tôi là cái đáng ghét"
 
Khi viết, tôi đã cố diễn tả những cảm nghĩ riêng tư, những gì mình mang nặng trong lòng. Lại một năm nữa. Tôi "già" thêm một tuổi, thời gian trôi qua nhanh quá đi. Tôi cám ơn những gì đã nhận được trong năm qua. Tôi đã học được những gì? Hay là bộ óc của tôi đã chứa đầy không còn gì để nhét vào nữa. Tôi thầm cám ơn Ơn Trên vì vẫn được thấy ánh mặt trời mỗi sáng, hạnh phúc khi thấy con cái lớn khôn, niềm vui khi biết cha mẹ còn khang kiện, các em và bà con được an bình. Tôi không viết thêm về "cái tôi" nữa, bởi vì ước vọng của mình đã được đặt trên cỗ xe đang bon bon lăn theo bóng thời gian. Tôi bước ra ngoài khung cảnh an bình mà tôi đang sống và dang tay đón nhận sự thể ập đến để thấy cuộc sống đích thực quanh mình.
 
Từ lâu cuộc sống của tôi đã được tôi tự đóng khung, dù công việc thường ngày tôi gặp gỡ nhiều người đủ mọi tầng lớp trong xã hội. Cuộc sống vẫn quay đều quanh tôi. Xã hội vẫn không ngừng thay đổi. Khi tuổi đời ngày một cao, tôi chợt nghĩ những điều mà từ trước đến giờ chưa nghĩ hay ít khi để ý đến. Cơn mưa chợt đến, hay thủy triều lên xuống, là những thay đổi của thiên nhiên rất bình thường mà nay cũng làm tôi suy tư. 
 
Có điều gì thay đổi trong tôi mà không giải thích được! 
 
Ngày hai buổi trên đường đi về, có biết bao cảnh trạng ập đến bắt tôi phải suy nghĩ... như người hành khất bên đường mang tấm bảng "Cần tiền bố thí để trị bệnh'. Như cô gái tuổi vị thành niên cầm tấm bảng "Cần tiền để lo mai táng Mẹ"... thật tình tôi không nghĩ là họ thật lòng, nhưng cũng có chút lòng xao xuyến.
 
Nhưng nếu đây là sự thật thì với số tiền nhỏ nhoi tôi giúp đỡ, liệu có làm được gì không? Chuyện gì đã thúc đẩy để những người kia trở thành những người hành khất bất đắc dĩ. Tìm ra câu trả lời không dễ vì đây là vết thương của xã hội. Lâu lâu tôi gặp một người ăn xin có vẻ nghiện ngập với tấm bảng "Nói dối làm gì, tôi cần tiền để uống rượu". Tôi mỉm cười, cho anh ta một dollar, một kẻ lập dị và biết nói thật điều mình muốn. 
 
Anh họ tôi có người bạn thân, mới năm trước đây mạnh khỏe, nay vướng đủ thứ bệnh phải đi lọc máu mấy lần mỗi tuần. Vào ở nhà chính phủ, trông nhờ sự giúp đỡ hàng tháng. Thân già lại phải lo cho đứa con bệnh hoạn, nhìn anh mà thấy xót xa, hình vóc thật nhiều thay đổi, chán chường sự đời không còn hoạt bát như năm trước tôi gặp. Nói chung đây là nỗi buồn của những người lớn tuổi cô đơn mà hằng ngày tôi nghe trên làn sóng phát thanh, biết bao nhiêu bất hạnh, cô đơn, túng thiếu, không phương tiện di chuyển, ngôn ngữ bất đồng, sức khỏe suy yếu...
 
Ai nghe mà không để lòng băn khoăn khi nghĩ đến viễn ảnh của chính mình? 
 
 
Tôi lại nghĩ đến ba má. 
 
Năm nay sức khỏe của má tôi có phần suy giảm, không như những năm qua. Bao nhiêu tế bào trong ta đã bị đào thải và tái tạo để con người được sinh tồn và khỏe mạnh, nhưng ở vào tuổi của má thì là điều quá ư hãn hữu. Chúng tôi, những đứa con cố níu kéo, cỗ xe cuộc đời của má đang hồi đổ dốc. Tôi tự hứa là làm những gì có thể để má được vui. Tôi đã sắp xếp lại các sinh hoạt thường ngày của mình, để có thêm thời gian bên cạnh má. Các con tôi, đang trong tuổi vị thành niên và đang trong mùa nghỉ Hè, tôi phải gởi tạm các cháu ở nhà người bà con, để tôi có thể đêm đêm ở bên má, sau ngày má xuất viện. Bao nhiêu là xáo trộn. Thương con là một chuyện, nhưng tình mẫu tử cũng không thể đong lường, và thời gian bên người mẹ già nua suốt đời tận tụy cho con là điều tất yếu. Mỗi khắc trôi qua trong những tháng ngày còn lại, sự gần gũi, an ủi của các con bên mẹ càng cần thiết hơn. Một ngày nghỉ trong tuần, tôi dành hết cho má trong lúc này vẫn chưa thấy đủ. Nhìn ánh mắt của má bịn rịn, mỗi khi tôi ra về nên tôi hiểu má cần tôi đến mức nào! Lòng tôi se thắt khi thấy ba tay cầm dù chờ tôi trước cửa lúc bên ngoài trời đổ mưa, hay ba lo đổ đầy bình xăng xe của tôi mỗi khi đến thăm... bao nhiêu việc làm đó cũng đủ nói lên rất nhiều những gì mà ba má muốn nói cùng tôi. Chính những lúc đó, tôi như có thêm nghị lực trời ban, bao nhiêu mệt mỏi đều tan biến. 
 
Tôi muốn nhắn lời cùng các em, chị em mình cố gắng làm được những gì cứ làm thật nhiều, vì được lo lắng cho ba má trong lúc này, đó là diễm phúc lớn vì chúng ta còn cha mẹ để chăm sóc. Chữ hiếu là vậy đó các em! Bởi để ngày mai, sợ sẽ không còn cơ hội để đền đáp công ơn dưỡng dục của đấng sinh thành.
 
Một năm qua bao nhiêu việc xảy đến cho tôi.
 
Ngày ngày vẫn đi làm, nhiều lúc mệt mỏi, cơ thể rã rời. Nhưng tôi biết ngoài kia, còn biết bao người bất hạnh hơn mình. Ba mẹ cần đến tôi, con cái ngày một lớn khôn cần vòng tay nồng ấm của tôi, bao nhiêu nhu cầu trong gia đình, ngoài xã hội... chính những điều này đã nung nấu và cho tôi thêm nghị lực để phấn đấu vượt thắng phần thể chất yếu đuối của mình. Các em hãy nhớ, nghị lực, ý chí mạnh mẽ và tình yêu thương là yếu tố khắc phục những trở ngại trong cuộc sống, bồi dưỡng cho thân xác dù tuổi đời chồng chất.  
 
Một ngày như mọi ngày, nhưng không ngày nào giống ngày nào! Đặc biệt hôm nay đánh dấu "vẫn ngày này... mỗi năm" của một con người. Suốt bao nhiêu năm, bao nhiêu biến đổi trong tâm tư, tiềm thức và thể xác của tôi, bao nhiêu thay đổi quanh mình, trong xã hội loài người... tất cả được kết tụ thành chiếc áo đặc thù, khoác lên tôi để đánh dấu từng khoảnh khắc thời gian mà tôi đã sống. 
 
Xã hội đầy dẫy bất công! Bất hạnh... quanh ta biết lấy gì hàn gắn! 
 
Chút tình thương của tha nhân có xoa dịu nỗi đau khổ của kiếp người trầm luân? 
 
Xin cầu nguyện ánh sáng thăng hoa cho những ba trăm sáu mươi lăm ngày sắp tới
 
Xin cầu nguyện niềm vui và hạnh phúc đến với người người...

Songthy
(Hai Bảy Tháng Bảy)